Ngăn chặn thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng ra thị trường

Cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng các mặt hàng tiêu dùng của người dân rất lớn, thị trường hàng hóa lại trở nên sôi động. Lợi dụng tình hình này, một số cá nhân, tổ chức đã tìm mọi cách tuồn các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu ra thị trường để trục lợi.

Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện một cơ sở giết mổ trái phép tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T. Danh

Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện một cơ sở giết mổ trái phép tại TP.Biên Hòa. Ảnh: T. Danh

Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm kém chất lượng thì dịp cuối năm cũng là thời điểm “vàng” để đưa hàng hóa ra ngoài thị trường tiêu thụ.

* Vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp

Trong những ngày qua, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục phát hiện nhiều vụ giết mổ heo bệnh, heo chết, heo không có kiểm dịch. Cụ thể như ngày 8-11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai bất ngờ kiểm tra và phát hiện cơ sở của bà T.T.Đ. (đóng tại KP.2, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) đang giết mổ heo bệnh, heo chết.

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa tại các chợ, các điểm kinh doanh dịch vụ vào dịp cuối năm, lực lượng chức năng cũng cần chú ý tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận, sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả, các vi phạm về an toàn thực phẩm...

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định cơ sở của bà Đ. đang cất giữ khoảng 300kg thịt heo có dấu hiệu mắc bệnh, heo đã chết trước khi mổ. Làm việc với cơ quan công an, bà Đ. thừa nhận, trước đó cơ sở của bà đã mua 2 con heo (trọng lượng 360kg) đã chết của một người dân mang đến bán với giá 2 triệu đồng. Lực lượng công an xác định số thịt heo này đã ngả màu tím tái và bốc mùi hôi thối.

Ngoài ra kiểm tra cơ sở của bà Đ., lực lượng chức năng còn phát hiện 2 tủ đông chứa khoảng 300kg thịt heo bệnh, heo chết. Sau khi lập biên bản, lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số thịt trên để đưa đi tiêu hủy.

Trước đó, ngày 2-11, Công an huyện Thống Nhất kiểm tra, phát hiện cơ sở giết mổ heo của ông T.T.H. (đóng tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đang giết mổ heo không rõ nguồn gốc. Qua làm việc, lực lượng chức năng xác định cơ sở này đang chứa hàng chục kg thịt heo không có kiểm dịch.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 95 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt số tiền hơn 700 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: giết mổ không đúng quy định, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, một số cơ sở giết mổ động vật chết, bệnh… Lực lượng chức năng cũng đã thu giữ và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý hơn 26 tấn thực phẩm, sản phẩm từ động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thiếu tá Bùi Trường Sơn, Phó đội trưởng Đội 4, PC05 Công an tỉnh cho biết, tình hình vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là vào dịp Tết sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng ngừa, trong đó, lực lượng trinh sát địa bàn đã lên danh sách các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để chủ động quản lý. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ tập trung kiểm tra những ngành hàng trọng điểm dịp cuối năm như: bánh kẹo, thực phẩm từ thịt, các loại nước uống…

* Đánh mạnh vào hàng giả, hàng kém chất lượng

Trung tá Mai Đức Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an TP.Biên Hòa cho biết, thường vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân là rất lớn. Lợi dụng thực tế này, các đối tượng đầu nậu cũng như các tổ chức chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng tìm cách tuồn các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái ra thị trường để kiếm lời. Đáng chú ý, thời điểm này, các mặt hàng tiêu dùng như: bột ngọt, hạt nêm, xà bông, nước giặt, bánh kẹo, thực phẩm khô… dễ bị làm giả thương hiệu. Các đối tượng thường thay thế nhãn mác, bao bì của các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.

Để ngăn chặn những hành vi trên, lực lượng Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an TP.Biên Hòa đã chủ động triển khai các phương án đấu tranh, phòng ngừa, trong đó tập trung vào các đường dây, băng, ổ, nhóm có dấu hiệu hoạt động tội phạm trên lĩnh vực kinh tế để triệt phá, đặc biệt là những đường dây mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ các địa phương khác đưa đến tiêu thụ.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, tình hình mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng của năm 2019, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra chuyên đề 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dược phẩm... Qua đó, phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm chủ yếu là: hàng hóa nhập lậu, hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá, vi phạm về nhãn hàng hóa...

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm.Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động mua bán, tàng trữ, sản xuất các mặt hàng nói trên; bên cạnh đó sẽ tập trung kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn, các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các chợ, cơ sở kinh doanh, nhà phân phối lớn...

Để có hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), các lực lượng chức năng như: Cục Quản lý thị trường, Chi cục chăn nuôi - thú y, công an và chính quyền các địa phương cần phải có sự phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải chú trọng triệt phá các đường dây, ổ, nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; tập trung kiểm tra các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như: thuốc lá, thực phẩm, mỹ phẩm, đặc biệt là các loại thịt động vật…; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201911/ngan-chan-thuc-pham-ban-hang-kem-chat-luong-ra-thi-truong-2975813/