Ngăn chặn thuốc lá điện tử để bảo vệ trẻ em

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm 'thuốc lá điện tử' và 'thuốc lá nung nóng', vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%). Đặc biệt, thuốc lá điện tử đã và đang xâm nhập vào một bộ phận giới trẻ, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của thanh, thiếu niên Việt Nam.

Tại Hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau COVID-19 là đại dịch của các bệnh không lây nhiễm. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một hóa chất gây nghiện cao, là nguyên nhân dẫn đến nghiện nicotine và các nguy cơ khác bao gồm các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử bắt mắt giới trẻ được chào bán.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, đặc biệt là ma túy “núp bóng”, thuốc lá gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe của thế hệ thanh, thiếu niên. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, TP. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Nicotine trong thuốc lá điện tử ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên như: Làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh, thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài, trong đó là nghiện, rối loạn nhân thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.

Hiện thuốc lá điện tử có hơn 20.000 hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên hệ qua lại giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma túy – Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Tại hội nghị, các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam không nên thực hiện thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự. Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, không nên thí điểm một sản phẩm gây hại cho sức khỏe. “WHO khuyến cáo với sản phẩm chưa trở lên phổ biến thì phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để phổ biến rồi mới ra ngăn chặn thì hậu quả lớn đã xảy ra”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh.

Theo BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ dung giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ. Hiện trên thế giới đã có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn sản phẩm thuốc lá điện tử, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, thời gian tới, cần tăng cường công tác nắm bắt, quản lý, xử lý các vi phạm liên quan. Có cơ chế xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của cha mẹ, các nhà trường, giáo viên trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ngan-chan-thuoc-la-dien-tu-de-bao-ve-tre-em-i694612/