Ngăn chặn thương mại hóa giáo dục đại học ngoài công lập - Bài 3: Để đại học tư thục phát triển đúng hướng

Mục đích của xã hội hóa giáo dục là huy động mọi nguồn lực xã hội để góp sức cùng Nhà nước thực hiện mục tiêu giáo dục, tạo điều kiện để mọi người dân được tiếp cận với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Mặc dù đồng thuận quan điểm đầu tư thì phải có lãi, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm giáo dục là con người nên phải cân nhắc để thực hiện phù hợp.

Sinh viên ngành Truyền thông Trường Đại học Hoa Sen trong giờ học thực hành

Đừng quá chạy theo lợi nhuận

Trưởng phòng đào tạo của một trường đại học công lập lớn tại TPHCM dẫn ví dụ: Chương trình kỹ sư ở các trường đại học tư thục hiện nay khoảng 40 triệu đồng/năm cho 150 tín chỉ (chưa tính tín chỉ giáo dục an ninh quốc phòng), mỗi tín chỉ là 20 tiết học (bình quân cả lý thuyết lẫn thực hành). Một năm có khoảng 3.000 tiết học, như vậy mỗi sinh viên sẽ đóng hơn 13.300 đồng/tiết học. Nếu mỗi lớp học có khoảng 40 sinh viên (tính mức thấp nhất) thì một tiết học sẽ thu hơn 532.000 đồng. Trừ chi phí đầu tư (tiền trả cho giảng viên, cơ sở vật chất và các khoản khác) thì con số tiền lãi là khá lớn so với những ngành nghề khác.

Một nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từng làm giám đốc một đại học vùng, cũng nhận xét: Vấn đề đang tồn tại và thực sự đáng suy nghĩ là lợi nhuận thu được từ kinh doanh trong giáo dục được sử dụng cho ai, như thế nào. Nếu những đơn vị giáo dục quá quan tâm lợi nhuận, đến mức tìm mọi cách tăng học phí nhưng không tăng đầu tư tương xứng vào phương tiện học tập, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo thì rất đáng lo ngại khuynh hướng thương mại hóa trong giáo dục.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà vội vàng đưa ra những chính sách hạn chế sự phát triển đầu tư của tư nhân vào giáo dục, mà cần có những chính sách quản lý tốt hơn. Đồng thời, một khi chấp nhận tư nhân đầu tư vào giáo dục, chúng ta không nên và không thể ngăn cản họ mưu cầu lợi nhuận, cũng như không có quyền tham gia vào việc quyết định sử dụng lợi nhuận ấy như thế nào.

Dẫn chứng cho những tồn tại đáng lo nói trên là kết luận mới đây của Thanh tra Bộ GD-ĐT về tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… tại Trường Đại học Duy Tân.

Theo đó, hồ sơ đề án mở ngành Kỹ thuật điện của nhà trường còn một số hạn chế, thiếu sót như: biên bản kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành chỉ xác định 10 giảng viên cơ hữu đứng tên mở ngành, không kiểm tra tổng thể giảng viên thực hiện chương trình đào tạo; biên bản họp hội đồng thẩm định chương trình đào tạo không thể hiện nội dung về thẩm định các điều kiện mở ngành cũng như kết luận của hội đồng thẩm định; chưa có nội dung khẳng định về các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Hay như năm 2019, nhà trường bổ sung 100 chỉ tiêu ngành Thiết kế đồ họa trên hệ thống phần mềm vào đề án tuyển sinh, nhưng không gửi văn bản cập nhật xác nhận cho Bộ GD-ĐT.

Về tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học, kết luận thanh tra đánh giá: Điểm trúng tuyển các ngành của trường còn thấp (năm 2023 có 31/51 ngành lấy điểm chuẩn 14, thấp nhất cả nước); tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở một số khối ngành. Trong khi đó, tuyển sinh sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) thì lại rất ít, nhiều ngành thạc sĩ có tới 50 chỉ tiêu nhưng năm nhiều nhất cũng chỉ tuyển được… 5 học viên.

Một điều đáng nói nữa là trong giai đoạn 2017-2021, Trường Đại học Duy Tân chi bình quân gấp 4,6 lần so với mức 5% kinh phí từ nguồn thu để phát triển tiềm lực nghiên cứu và khuyến khích hoạt động khoa học - công nghệ, cao gần 2 lần so với 3% kinh phí hỗ trợ người học tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Những mức chi này thực tế là ký hợp đồng với các cá nhân nhà khoa học trong và ngoài nước (thực hiện 77 hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học để công bố 539 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế) để có được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng của quốc tế.

Th.S HỨA MINH TUẤN, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM: Nhiều tồn tại chưa được giải quyết

Các trường đại học ngoài công lập trong hơn 3 thập niên qua đã góp sức cùng hệ thống giáo dục đại học đào tạo và cung cấp hàng triệu nguồn nhân lực cho cả nước, chia sẻ cùng Nhà nước để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân. Có những trường thật sự tạo được thương hiệu và uy tín, nhưng cũng có trường vì chạy theo thương mại hóa, vì lợi nhuận mà mua bán bằng, mở ngành đào tạo khi chưa được phép.

Tại hội nghị về các trường đại học ngoài công lập gần đây, những hạn chế vẫn chưa thể giải quyết. Đó là đội ngũ giảng viên thiếu và yếu; nhiều trường vẫn phải đi thuê cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn mang tính hình thức; chưa chú trọng đến việc kết nối doanh nghiệp... Do vậy, một mặt chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển hệ thống trường đại học ngoài công lập, nhưng đồng thời cơ quan quản lý chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách phải có quyết tâm cao để đưa ra những chính sách phù hợp, có hành lang pháp lý chặt chẽ để hệ thống trường đại học ngoài công lập phát triển đúng hướng, đúng với mục tiêu của xã hội hóa giáo dục.

Cần chính sách hợp lý

Theo một giảng viên ngành Luật của Đại học Quốc gia TPHCM, một điều bất cập và là kẽ hở rất lớn hiện nay là trong Luật Giáo dục đại học 2018 chỉ khuyến khích loại hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận. Chính vì vậy, các trường dù tích lũy, lợi nhuận “khủng” nhưng vẫn tự nhận là không vì lợi nhuận! Nhìn vào thực trạng hiện nay, một nhà quản lý giáo dục cho rằng: Từ mô hình quản lý hệ thống trường đại học tư thục của các nước phát triển, Nhà nước có thể phân các nhà đầu tư tư nhân vào giáo dục thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là nhóm mưu cầu lợi ích (lợi nhuận), nhưng tình nguyện không sử dụng phần lớn lợi ích vào mục đích tăng tài sản cá nhân, mà dùng lợi ích này để phát triển, mở rộng quy mô và chất lượng cơ sở giáo dục. Ở các nước phát triển, các trường nhóm này được gọi là đại học tư không vì lợi nhuận cá nhân.

Chính phủ cấp đất và hầu như miễn thuế hoàn toàn, nhưng điều kiện ràng buộc là trên 70% lợi nhuận thường niên được sử dụng để tăng quy mô vật chất, củng cố chất lượng cơ sở và phân bổ cổ phần cho những người có quá trình làm việc, cống hiến cho sự phát triển của trường liên tục từ 10 năm trở lên.

Nhóm thứ hai là với các trường đại học tư không đăng ký tình nguyện sử dụng lợi ích của cơ sở đào tạo vào việc phát triển chất lượng và quy mô cơ sở, nên không nhận được bất kỳ ưu đãi nào từ Nhà nước. Nhà nước để trường tự quyết định lợi nhuận sau thuế, nhưng đánh thuế rất cao - như một loại hình kinh doanh dịch vụ, và dùng khoản thu thuế này củng cố chất lượng của những cơ sở giáo dục khác. Do mức thuế cao, trong khi vẫn phải tốn kém cho đầu tư mở rộng trang thiết bị nhằm thu hút người học, đa số các cơ sở giáo dục nhóm này sau một thời gian hoạt động đều tình nguyện chuyển sang loại hình nhóm thứ nhất.

Theo cố vấn của một trường đại học tư thục tại TPHCM, mọi nhà đầu tư đều quan tâm đến lợi nhuận nhưng người nhìn xa trông rộng, có cái tâm nhiều hơn thì họ sẽ không bằng mọi giá để kiếm nhiều lợi nhuận mà xây dựng chiến lược để xây dựng đại học của mình trở thành đại học danh tiếng, phát triển ổn định, bền vững.

Ngược lại, những nhà đầu tư với mục đích duy nhất là lợi nhuận thì thường quan tâm đến việc làm sao tuyển sinh cho tốt, mở thêm nhiều cơ sở, mua thêm nhiều trường để mở rộng thị trường và bất động sản...

Bất kể điểm đầu vào thế nào, cơ sở vật chất chỉ ở điều kiện vừa phải, họ không quan tâm đến việc phát triển và tính kế thừa của đội ngũ, khoa học - công nghệ hay chuyển giao. Một trường đại học nếu không có gì về nghiên cứu, không có gì đóng góp cho cộng đồng mà chỉ lo tận thu thì sẽ suy yếu dần và người học sẽ tẩy chay chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngan-chan-thuong-mai-hoa-giao-duc-dai-hoc-ngoai-cong-lap-bai-3-de-dai-hoc-tu-thuc-phat-trien-dung-huong-post716116.html