Ngăn chặn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới

Tuyên truyền công tác bình đẳng giới trên địa bàn TX Đông Hòa. Ảnh: KIM CHI

Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Dịch bệnh cũng làm hạn chế các hoạt động đi lại, các biện pháp cách ly kèm theo áp lực xã hội và mọi hoạt động bị đình trệ, dẫn đến nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực gia đình có xu hướng tăng

Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến các vụ BLTCSG với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Phú Yên, cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Trung tâm CTXH tỉnh tăng hơn 30% so với bình thường. Ngoài ra, Tổng đài bảo vệ trẻ em của trung tâm 0257.3890000 cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Năm 2020, Trung tâm CTXH tỉnh đã tư vấn 75 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do xung đột gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục...

Chị Hồ Thị Hồng Nga ở phường 7, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Chồng tôi làm nhân viên bảo vệ một công ty ở huyện Sông Hinh. Vì dịch bệnh COVID-19, công ty cho một số công nhân viên nghỉ việc, trong đó có chồng tôi. Vì mất việc đột ngột, kinh tế gia đình giảm sút nên anh ấy thường xuyên cáu bẳn, la mắng vợ con vô cớ. Tôi chỉ mong sao trong thời gian tới chồng tôi có việc làm để lo cho gia đình, nhà cửa được êm ấm”. Còn em Nguyễn Lam Phương Anh, 9 tuổi, ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, nói: “Ba em chạy xe thồ, nhưng đợt dịch bệnh vừa rồi ế khách, ở nhà nhiều nên ba hay nhậu, rồi la mắng em… Em chỉ mong sao gia đình yên vui để cuộc sống nhẹ nhàng, an toàn hơn”.

Ông Lê Trung Kiên, Phó phụ trách Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Trong những năm qua, việc triển khai, thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng chống BLTCSG đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như việc thực hiện đồng bộ trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện một cách thiết thực và tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng; lựa chọn giới tính thai nhi được cải thiện đáng kể; bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội được thu hẹp. Các hoạt động trợ giúp nạn nhân bị BLTCSG; công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phòng, chống BLTCSG, bạo lực gia đình... cũng được liên tục triển khai để nâng cao nhận thức về nguy cơ gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Cũng theo ông Kiên, tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt, đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội.

Phát huy trách nhiệm của cộng đồng

Để khắc phục tình trạng BLTCSG, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống BLTCSG (15/11-15/12) với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, ngành, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tập trung vào các hoạt động chính, như: Quán triệt đẩy mạnh các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giới và bình đẳng giới; tăng cường công tác truyền thông sâu rộng chủ đề Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống BLTCSG bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người. Trong đó, chú trọng việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, quyền lợi của trẻ em gái; tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn, tổng kết các nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới và chủ đề Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống BLTCSG năm 2020.

Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân, gặp mặt biểu dương những điển hình tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Đồng thời phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tài liệu tuyên truyền tại cộng đồng; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với BLTCSG, bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong tình hình hiện nay. Huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống BLTCSG và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/248821/ngan-chan-tinh-trang-bao-luc-tren-co-so-gioi.html