Ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép

Thời gian gần đây, TP Hà Nội cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng tái diễn phức tạp, gây mất an ninh trật tự. Các 'quái xế' có hành động táo tợn, coi thường pháp luật, gây nguy hiểm, bất bình cho cả người tham gia giao thông và lực lượng chức năng. Đáng lo ngại là việc gia tăng đối tượng đua xe trái phép ở độ tuổi vị thành niên.

Có những đêm về trên nhiều tuyến phố của Thủ đô bắt đầu xuất hiện không ít thanh niên tuổi “teen” điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, liên tục nẹt pô inh ỏi, so kè đua xe, chặn làn đường các xe ô tô để đua xe trái phép. Thời gian vừa qua, Công an TP Hà Nội liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ thanh thiếu niên đua xe trái phép. Có thời điểm, cảnh sát giao thông liên tiếp xử lý hai đoàn "bão khủng" chỉ trong một đêm. Các nhóm "quái xế" có tuổi đời còn trẻ, nhiều “quái xế” mới chỉ 15 tuổi đã bí mật liên kết thành nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, ngang nhiên rủ nhau đi gây rối, thách thức dư luận.

 Nhóm thanh niên bị Lực lượng 141 và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội tạm giữ vì hành vi đua xe trái phép đầu năm 2022. Ảnh: NGUYỄN THỦY

Nhóm thanh niên bị Lực lượng 141 và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội tạm giữ vì hành vi đua xe trái phép đầu năm 2022. Ảnh: NGUYỄN THỦY

Điển hình như vụ việc ngày 16-3, Tổ công tác chống đua xe của Công an huyện Đông Anh (TP Hà Nội) tuần tra phát hiện, bắt giữ nhóm 18 thanh niên sử dụng xe máy che biển kiểm soát và tháo biển kiểm soát, cầm theo giáo dài tự chế, dao nhọn, gậy gỗ, tuýp sắt... đi thành hàng đua xe náo loạn khu vực trục đường Cao Lỗ, Quốc lộ 3 thuộc địa phận huyện Đông Anh... Cầm đầu nhóm đối tượng này là Đỗ Minh Hiếu, sinh năm 2002, ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Trong 18 thanh niên, có hai đối tượng dưới 16 tuổi được Công an huyện Đông Anh áp dụng biện pháp khác để tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo pháp luật. Các đối tượng còn lại có tuổi đời từ 18 đến 20. Nhiều lần tham gia triệt phá các đối tượng đua xe, Thiếu tá Phạm Xuân Thiên, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh cho biết: “Đây không phải lần đầu các vụ việc như thế này được phát hiện, bắt giữ. Vào cuối tuần hay các dịp lễ, tết, nhiều thanh thiếu niên đã thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội hẹn nhau đi đua. Các vụ việc mà cơ quan công an xử lý, hầu hết đều xảy ra ở các tuyến đường trung tâm, vào buổi tối muộn hoặc đêm khuya đến rạng sáng, vì đây là khoảng thời gian dễ thực hiện hành vi vi phạm”.

Có thể nói hiện tượng đua xe trái phép không chỉ gia tăng về số lượng người tham gia mà còn tăng thêm cấp độ nguy hiểm. Thay vì tụ tập ở các tuyến đường vắng, nhiều đối tượng thanh thiếu niên chặn làn xe ô tô trên quốc lộ, thậm chí là cao tốc để tổ chức đua xe trái phép. Trao đổi với chúng tôi Trung tá Trần Đăng Hiển, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết: “Hành vi đua xe trái phép không những gây nguy hiểm cho những người đi đường mà còn gây nguy hiểm cho chính các đối tượng tham gia đua xe. Bên cạnh việc xử lý của lực lượng chức năng, rất mong chính quyền địa phương và những gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục, không giao xe cho các cháu tham gia giao thông”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên đua xe. Những người ở độ tuổi này thường dễ bị rủ rê, lôi kéo. Khi các em tham gia đua xe, đó là hành vi nguy hiểm và vi phạm luật giao thông, biết những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra, nhưng vì muốn tìm cảm giác lạ trên đường phố, nên các em sẵn sàng lao vào các cuộc đua. Bên cạnh đó, tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Điều này dẫn đến việc không thường xuyên nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hằng ngày của con cái mình để giáo dục, uốn nắn.

Đề cập đến vấn đề trên, Trung tá Bùi Thế Phương, Tổ trưởng Tổ công tác Y10, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho rằng: “Chúng ta phải tăng cường truyền thông thay đổi hành vi của thanh thiếu niên. Đây là giải pháp có tính căn cơ, bền vững. Thông qua các hình thức phù hợp như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các buổi tọa đàm chuyên đề... Các trường học và cộng đồng dân cư cần tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục luật an toàn giao thông, luật hình sự, luật xử lý vi phạm hành chính... cho thanh thiếu niên liên quan đến hành vi đua xe trái phép; giáo dục để họ nâng cao nhận thức về ý thức công dân, cảnh báo họ về các nguy cơ tai nạn cùng các hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi tổ chức và tham gia đua xe trái phép”.

Trước những hành vi, thủ đoạn phạm tội mới của nhiều đối tượng đua xe trái phép, Công an TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch tấn công tội phạm để phù hợp với tình hình mới, trong đó có sự thay đổi về phương thức hoạt động của Lực lượng 141. Thay vì trực chốt như trước, các tổ công tác hoạt động mở rộng với hình thức hóa trang mặc thường phục, sử dụng phương tiện cá nhân chủ động tuần tra trên đường nhằm đáp ứng tốt nhất việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Công tác tuần tra kiểm soát được đẩy mạnh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với các trường học, đoàn thể tuyên truyền cho các em học sinh việc chấp hành và ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật.

HUYỀN TRANG - THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/ngan-chan-tinh-trang-dua-xe-trai-phep-695753