Ngăn chặn tình trạng giả danh quân đội, công an để lừa đảo

Thời gian gần đây, tại một số địa phương xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh người có chức vị cao trong ngành quân đội, công an. Thậm chí, có trường hợp kẻ cầm đầu lừa đảo còn mạo danh là 'Thiếu tướng quân đội', 'quyền Cục trưởng tình báo công an' khiến nhiều người cả tin và sập bẫy.

Theo hồ sơ vụ án của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội, khoảng năm 2018, Công an TP Hà Nội nhận được trình báo của một số người dân về việc bị một đối tượng tự xưng là Thiếu tướng trong quân đội có khả năng tuyển dụng, xin việc cho người có nhu cầu vào làm trong các đơn vị của quân đội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thời gian đầu, công tác điều tra gặp khó khăn khi phần lớn những người bị lừa đến Cơ quan An ninh điều tra trình báo không xuất trình được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào đã giao tiền cho đối tượng lừa đảo. Qua thu thập thông tin từ lời khai của một số bị hại, nhận định đây là một đường dây lừa đảo quy mô lớn, Công an TP Hà Nội lập chuyên án để đấu tranh, đưa những kẻ lừa đảo ra ánh sáng. Bằng công tác nghiệp vụ, Cơ quan An ninh điều tra xác định, kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo là Hoa Hữu Long (SN 1964, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, ngày 14-4-2018, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố và bắt giam Hoa Hữu Long cùng bốn đồng phạm khác, gồm: Nguyễn Minh Sơn (SN 1971); Mạc Phúc Hải (SN 1964); Cao Thị Kim Loan (vợ của Long, SN 1970) và Phùng Thị Thanh Huế (SN 1978), cùng trú tại Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình lấy lời khai, cơ quan điều tra làm rõ, Long từng tốt nghiệp đại học xây dựng. Trong quá trình đi làm, tạo được một số mối quan hệ, Long nghĩ đến việc liên kết cùng một số đối tượng thiết lập "tập đoàn" lừa đảo. Các đối tượng này sử dụng các quyết định mạo danh Bộ Quốc phòng để tạo dựng thông tin về việc Bộ đang thành lập Tập đoàn Ðông Dương (phiên hiệu S10). Theo đó, khi gặp những người nhẹ dạ cả tin, các đối tượng đều tung tin rằng, Bộ Quốc phòng có chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp quân đội trên toàn quốc, sáp nhập một số công ty, ngân hàng thành Tập đoàn Ðông Dương. Theo lời khai của các đối tượng, tập đoàn này có chín tổng công ty, hiện nay các tổng công ty đang có nhu cầu tuyển hàng nghìn người để bổ sung nhân lực.

Nếu người nào có nhu cầu thì đăng ký, phải bỏ ra từ 150 đến 600 triệu đồng, sau đó sẽ được phong quân hàm sĩ quan, thấp nhất là Thượng úy, cao nhất là Ðại tá và được bổ nhiệm chức vụ tương xứng. Những người được tuyển vào phải khám sức khỏe tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, được kết nạp Ðảng. Riêng bảo hiểm xã hội thì không được chuyển từ ngành ngoài vào nên mỗi người phải nộp từ 7 đến 10 triệu đồng để tập đoàn hợp thức hóa. Các đối tượng trong đường dây lừa đảo còn "tự phong" cho Hoa Hữu Long hàm Thiếu tướng quân đội - người có quan hệ rộng và có khả năng sắp xếp công việc trong ngành. Thậm chí chúng còn làm giả cả quyết định thăng hàm Thiếu tướng cho Hoa Hữu Long. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng phát triển hệ thống "chân rết" ở nhiều địa phương, gây ra hàng loạt vụ lừa đảo ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Ðáng chú ý, nhiều trường hợp bị lừa đảo, nạn nhân là chính những người thân trong gia đình. Vì cả tin nên sau khi bị "sập bẫy" lại vô tình lôi kéo nhiều người họ hàng cùng nộp tiền với hy vọng được một "suất" trong ngành quân đội...

Sau gần hai năm điều tra, Công an TP Hà Nội đã kết thúc vụ án và xác định đường dây lừa đảo giả danh Thiếu tướng quân đội có 14 bị can. Sau khi phối hợp thông tin điều tra, Công an TP Hà Nội nhận được xác nhận chính thức từ Cục Bảo vệ an ninh quân đội: Bộ Quốc phòng không có ai là Thiếu tướng Hoa Hữu Long, không có tập đoàn Ðông Dương nào thuộc Bộ Quốc phòng. Một tình tiết quan trọng trong vụ án này, đó là cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã lừa đảo khoảng 83 tỷ đồng của hàng nghìn người dân.

Không chỉ giả danh người trong quân đội, các đối tượng lừa đảo còn mạo nhận là người có chức vụ cao trong ngành công an để thực hiện hành vi lừa đảo. Thậm chí những "phi vụ" lừa đảo khi bị phanh phui còn khiến nhiều người bất ngờ vì đối tượng "qua mặt" được cả một chủ tịch UBND huyện.

Giữa tháng 2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ðắk Lắk cho biết, đơn vị ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ðào Thanh Tâm (SN 1976, trú tại 31 Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, vào ngày 2-2, Ðại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Ðắk Lắk cùng đoàn công tác của Công an tỉnh đến kiểm tra công tác tại Công an huyện Lắk. Trong quá trình làm việc tại đây, Ðại tá Tuyến phát hiện một phụ nữ đi cùng với Chủ tịch UBND huyện đến chào hỏi và giới thiệu là Ðại tá Hà Phương Tường Vân, là "quyền Cục trưởng tình báo Bộ Công an".

Tuy nhiên, qua vài câu chuyện xã giao, Ðại tá Lê Văn Tuyến nhận thấy người phụ nữ này có dấu hiệu giả mạo cấp bậc, chức vụ nên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an huyện Lắk vào cuộc xác minh. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, người phụ nữ này có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh với nghề nghiệp kinh doanh, xây dựng. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận, qua các mối quan hệ giới thiệu, Tâm tìm đến gặp Chủ tịch UBND huyện Lắk, tự giới thiệu mình là Ðại tá Hà Phương Tường Vân là "quyền Cục trưởng tình báo của Bộ Công an" để xin được làm dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Lắk. Quá trình đấu tranh, Tâm còn khai, vào khoảng tháng 2-2018, Tâm có quen biết bà Trần Thị Cúc (trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk).

Lúc này, Tâm lại tự nhận mình là "Cục trưởng An ninh Tây Bắc của Bộ Công an" và có quen biết nhiều lãnh đạo trong, ngoài ngành công an. Tin tưởng Tâm, tháng 11-2018, bà Cúc đặt vấn đề nhờ Tâm giúp đòi lại số tiền 5 tỷ đồng. Theo bà Cúc, đây là số tiền trước đó con trai bà đi mua bán đất bị lừa. Nhận được lời đề nghị của bà Cúc, Tâm đồng ý và yêu cầu chuyển vào tài khoản của Tâm số tiền 300 triệu đồng để đi nhờ các mối quan hệ lo việc. Sau khi chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản cho Tâm, thấy Tâm không giúp được gì, bà Cúc đã nhiều lần đòi lại tiền thì Tâm khất hẹn và không trả. Sau đó, bà Cúc làm đơn tố cáo Tâm lên cơ quan công an.

Theo đánh giá của cơ quan công an, những vụ việc lừa đảo của Hoa Hữu Long hay Ðào Thanh Tâm nêu trên chỉ là hai trong nhiều vụ việc được đấu tranh, phát hiện trong những năm gần đây.

Sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên, một trong những nguyên nhân là do trong xã hội hiện tại, một bộ phận người dân vẫn thiếu hiểu biết và mang nặng tâm lý thích dùng tiền để "chạy chọt" xin việc cho người thân, con cái. Những kẻ lừa đảo cũng lợi dụng vào uy tín cũng như tình cảm, sự tin tưởng vốn có của người dân đối với các cán bộ công an, quân đội để tiến hành lừa đảo. Chính vì hành động "đi tắt" và sự "nhẹ dạ cả tin" này khiến nhiều người dễ sập bẫy của những kẻ lừa đảo có thủ đoạn tinh vi, tạo dựng cho mình những chức tước, danh hiệu giả để lòe bịp. Trước những thủ đoạn của loại tội phạm này, cơ quan chức năng khuyến cáo, mỗi người dân cần tự đề cao cảnh giác, tránh đưa tiền, tài sản cho các đối tượng trung gian nhận "chạy việc".

Khi phát hiện có các đối tượng tung tin, lôi kéo người dân nộp tiền để được nhận vào các ngành quân đội, công an cần báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Việc ngăn chặn loại tội phạm này không chỉ để bảo vệ người dân mà còn để bảo vệ uy tín và tôn nghiêm của lực lượng quân đội, công an.

LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43451102-ngan-chan-tinh-trang-gia-danh-quan-doi-cong-an-de-lua-dao.html