Ngăn chặn tình trạng môi giới mua bán thận

Lợi dụng sự phát triển của mạng in-tơ-nét, một số đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo, môi giới, mua bán thận trái pháp luật. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức để tránh vi phạm pháp luật cũng như bảo vệ sức khỏe và tài sản của bản thân.

“Chợ đen” mua, bán thận

Môi giới, mua bán nội tạng cơ thể người, trong đó có mua bán thận là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, tại các địa phương, loại tội phạm “cò” mua bán thận vẫn xuất hiện, gây ra những vụ án làm nhức nhối xã hội. Thời gian gần đây, lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, các đối tượng môi giới, mua bán thận đã ẩn mình bằng các tài khoản trên không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi. “Cò” mua bán thận giờ đây rất ít khi la cà tại các khu vực cổng bệnh viện lớn để tìm kiếm “con mồi” nữa vì rất dễ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hoặc bị người dân tố giác đến cơ quan công an. Phương thức thủ đoạn của chúng là lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội, thậm chí là công khai để quảng cáo về việc bán thận, mua thận. Đơn cử như một số trang có tên “Bán thận, hiến thận, mua thận” “muốn bán thận” trên Facebook. Trong một thời gian dài, các trang mạng xã hội này liên tục đăng các quảng cáo cần mua thận và còn ghi sẵn yêu cầu đối với người muốn bán thận là phải làm một số xét nghiệm trước, gồm: Xét nghiệm nhóm máu; vi-rút viêm gan A, B, C; HIV, siêu âm tổng quát ổ bụng; kiểm tra chức năng gan thận.

Sau khi có các xét nghiệm này, người bán thận phải gửi cho các trang mạng xã hội này kiểm tra, khi đạt yêu cầu, các đối tượng sẽ liên hệ trực tiếp lại để thực hiện việc giao dịch. Điều đáng nói là, các trang mạng xã hội thực hiện hành vi mua bán thận có lượng tương tác khá lớn. Rất nhiều người trực tiếp phản hồi lại rằng đang có nhu cầu bán thận. Phần lớn lý do họ muốn bán thận vì hoàn cảnh khó khăn, nợ tiền, cần tiền trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, những người này không biết rằng, rất nhiều hệ lụy xấu, thậm chí nguy hiểm tính mạng đang chờ họ khi giao cơ thể mình cho những đối tượng xấu. Bên cạnh đó, một số người đang mắc bệnh, có nhu cầu tìm thận để ghép cũng tìm đến các trang mạng này để mong tìm được người có nội tạng phù hợp với cơ thể mình. Việc mong cầu sức khỏe, sự sống là chính đáng nhưng vô hình trung tạo ra mảnh đất màu mỡ để “cò” mua bán thận hoành hành.

Ngoài các trang mạng kể trên còn vô số những hội, nhóm đang ẩn náu trên không gian mạng để hòng tìm kiếm những cuộc giao dịch mua bán thận nói riêng và mua bán nội tạng cơ thể người nói chung. Hành vi của những đối tượng “cò” nội tạng không xuất phát từ thiện tâm cứu giúp người mà vì những lợi ích mang lại qua những thương vụ mua bán thận. Bởi lẽ, các đối tượng khi đã tìm được người bán thận và mua thận thì giá của người bán thận luôn thấp hơn nhiều so với cái giá mà người mua thận phải trả và phần chênh lệch đó tất nhiên rơi vào túi của bọn chúng. Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, một số người dân có nhu cầu nhận thận, hiến thận thiếu hiểu biết cho nên các đối tượng “cò” lợi dụng việc này để lừa đảo, chúng đứng giữa làm giá. Bởi vậy, người dân có nhu cầu nhận thận, hiến thận cần đến các bệnh viện để làm các xét nghiệm hợp pháp.

Hàng loạt người sập bẫy

Những ngày qua, dư luận đang hết sức xôn xao bởi thông tin Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo, môi giới, mua bán thận. Lật lại những trang tài liệu của cơ quan điều tra, đáng chú ý là vụ việc hơn 40 người sập bẫy của các đối tượng “cò” mua bán thận. Đáng nói, hầu hết các nạn nhân của vụ án đều là người đang mắc bệnh nặng và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Anh Dương Văn Thành (29 tuổi, quê Bắc Giang) nhà nghèo tới mức được ăn no đã là điều hạnh phúc nhưng Thành lại mắc phải căn bệnh “nhà giàu”. Anh bị Suy thận mức độ 4, không ăn uống được nhiều, cơ thể gầy gò ốm yếu chỉ nặng chưa tới 45 kg. Mong muốn con trai được khỏe mạnh, bố mẹ anh Thành khi được nghe giới thiệu của đối tượng Trương Minh Ngọc (SN 1986, quê tỉnh Phú Thọ) về việc có thể ghép thận cho Thành đã vay mượn khắp họ hàng, bạn bè được số tiền gần 300 triệu đồng đưa cho Ngọc.

Thế nhưng, khi tiền đã đưa, đối tượng Ngọc lại “bốc hơi” mất để lại cho gia đình anh Thành nỗi đau đớn khi “đã nghèo còn mắc cái eo’’. Ngay khi nhận được tin báo về vụ việc có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức môi giới mua bán thận, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội đã lập tức vào cuộc. Các trinh sát đã xác định được đối tượng Trương Minh Ngọc sống lang thang, thuê trọ ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Sau khi bị anh Thành phát hiện ra việc lừa đảo, hắn lập tức chuyển nơi ở và nhất định không cho nạn nhân biết nơi cư trú. Cùng tham gia lừa đảo trong đường dây của Ngọc còn có đối tượng Trần Tuấn Anh, đối tượng này đã từng tới “tư vấn” cho anh Thành và dẫn anh đi làm một số xét nghiệm để lấy lòng tin. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng Ngọc và Tuấn Anh đều khai nhận, do thấy có nhiều bệnh nhân có nhu cầu cần ghép thận nên chúng đã lên Facebook giới thiệu thông tin về những người có nhu cầu bán nhằm mục đích lừa đảo. Khi có người cả tin gọi điện liên hệ, Ngọc và Tuấn Anh cùng một số đối tượng dụ dỗ chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Cơ quan công an đã làm rõ đường dây của đối tượng Ngọc đã môi giới mua bán thận cho khoảng 40 người.

Mới đây, ngày 15-10, Đội Phòng chống tội phạm mua, bán người (Đội 12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) đã bắt tạm giam Trần Văn Phương (29 tuổi, trú tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) về hành vi “Mua bán mô và bộ phận cơ thể người”. Ngoài ra, ba đối tượng khác cũng đang được cơ quan điều tra làm việc để làm rõ hành vi nêu trên. Theo tài liệu điều tra, Phương lên mạng xã hội Facebook đăng tin tìm người mua bán thận. Khi có người mua bán, Phương yêu cầu họ làm hồ sơ dưới dạng tự nguyện hiến tạng. Từ đầu năm đến nay, Phương đã ba lần dàn xếp mua bán thận. Người bán thận được nhận từ 250 đến 320 triệu đồng/quả thận, còn người mua phải trả từ 340 đến 360 triệu đồng/quả thận. Tiếp đó, ngày 16-10, một “cò” mua bán thận Dương Văn Lộc (31 tuổi, ở Hải Phòng) đã bị Công an quận Long Biên (Hà Nội) bắt giữ. Đối tượng cũng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận người bán thận và mua thận sau đó đưa ra mức giá chênh lệch để hưởng lời. Sau ba vụ trót lọt, tới vụ thứ tư, đối tượng này bị phát hiện.

Để ngăn chặn tình trạng “cò” mua bán thận, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bị nghiêm cấm. Chính vì vậy, đối với những người bị bệnh cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép thận nhân đạo. Tuyệt đối không được mua, bán. Mặc dù những người bán thận trong các vụ án đều có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống nhưng không vì thế mà vi phạm pháp luật. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để mọi người dân nắm được đầy đủ. Đồng thời, khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô với ý nghĩa nhân đạo cho những người mắc bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe.

LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37968902-ngan-chan-tinh-trang-moi-gioi-mua-ban-than.html