Ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở huyện Mường Lát

Thời gian qua, mặc dù các lực lượng có liên quan của tỉnh và huyện Mường Lát đã có nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ nhưng tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy vẫn xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lý (Mường Lát) giúp người dân chăm sóc rừng trồng.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Lát những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng về cơ bản đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn huyện Mường Lát nổi lên tình trạng một số hộ dân tự ý khai thác, phá rừng trồng lấy đất làm nương rẫy, gây mất ổn định an ninh rừng. Qua phối hợp kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát và các lực lượng chức năng huyện Mường Lát, tình trạng khai thác, phá rừng trồng chủ yếu xảy ra tại 17 bản của 3 xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung, với diện tích 337,46 ha được giao cho 253 hộ gia đình theo Nghị định 02/CP của Chính phủ để sản xuất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng trồng sau khai thác 190,96 ha; diện tích cỏ le, nứa, cây gỗ tái sinh sau nương rẫy cũ 126,59 ha; đất trống quy hoạch ngoài lâm nghiệp 19,91 ha. Đối với diện tích 126,59 ha nương rẫy cũ, là diện tích canh tác rẫy luân phiên (2 - 3 năm/lần), đất bạc màu, dân bỏ hoang để cỏ le, nứa mọc tái sinh, khi giá sắn lên cao Nhân dân phát lại trồng sắn. Diện tích rừng trồng 190,96 ha, cây trồng chủ yếu từ Dự án 147 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã đến chu kỳ khai thác, nên người dân đã khai thác, nhưng không trồng lại rừng mà trồng cây lương thực (cây sắn) và các cây trồng khác như luồng, trẩu, gai xanh... Nguyên nhân do tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, nhu cầu sử dụng đất làm nương rẫy, trồng cây lương thực đảm bảo cuộc sống và giá sắn nguyên liệu tăng cao, đã dẫn đến việc người dân phá rừng, khai thác rừng trồng. Địa điểm phá rừng, khai thác rừng xa khu dân cư, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên việc kiểm tra, kiểm soát an ninh rừng chưa thường xuyên và kịp thời. Do chưa có quy hoạch nương rẫy cố định, nhận thức của người dân về Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp còn hạn chế, khi được Nhà nước giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP, coi đó là đất của mình, nên đã tự ý phá rừng, khai thác rừng lấy đất làm nương rẫy. Việc phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm trên địa bàn với chính quyền, chủ rừng và các lực lượng khác chưa thường xuyên, chủ yếu giải quyết theo sự vụ; chưa chủ động nắm thông tin tình hình an ninh rừng, để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp chỉ đạo. Công tác phối hợp tuyên truyền bảo vệ rừng giữa kiểm lâm với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện chưa thường xuyên, nhất là công tác dân vận, vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng còn hạn chế; kỹ năng tuyên truyền miệng, nhất là bằng tiếng dân tộc còn hạn chế...

Trước thực trạng trên, huyện Mường Lát đang tập trung phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các lực lượng có liên quan đóng trên địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Tập trung giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, khai thác rừng trồng lấy đất làm nương rẫy, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển kinh tế, ở những địa bàn trọng điểm; nắm chắc tình hình di dân tự do, giao lưu qua lại với các cụm, bản nước bạn Lào. Vận động Nhân dân không tự ý chặt phá rừng trồng khi chưa đến chu kỳ khai thác để trồng cây lương thực. Thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng nhằm phát hiện sớm các hành vi mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, khai thác, đốt, phá rừng. Rà soát, thống kê diện tích rừng trồng đã khai thác lấy đất làm nương rẫy trên địa bàn để có định hướng, quy hoạch diện tích canh tác nương rẫy cố định phù hợp để Nhân dân làm nương rẫy, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Các ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng rừng hằng năm; không để xảy ra tình trạng khai thác trái pháp luật, phá rừng làm nương rẫy trên diện tích rừng được giao quản lý; đẩy nhanh tiến độ bàn giao diện tích đất rừng sản xuất của các ban quản lý cho địa phương để giao cho người dân, đảm bảo Nhân dân có đất sản xuất. cùng với đó, lựa chọn xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tập quán, trình độ canh tác của người dân để áp dụng, ứng dụng theo hướng cầm tay chỉ việc làm cơ sở để Nhân dân tự nhân rộng mô hình.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ngan-chan-tinh-trang-pha-rung-lam-nuong-ray-o-huyen-muong-lat/165629.htm