Ngăn chặn tình trạng săn bắt chim hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học

Từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm khu vực các huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện Nông Cống là địa bàn tập trung nhiều đàn chim trời về cư trú. Đây cũng là thời điểm một số người dân giăng bẫy để săn bắt chim trời.

Người dân giăng lưới bẫy chim trên cánh đồng.

Người dân giăng lưới bẫy chim trên cánh đồng.

Địa điểm người dân đặt bẫy chim trời thường nằm ở các cánh đồng lúa đã được thu hoạch, có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông. Tại đây, họ găm các con cò giả được làm bằng xốp, rồi cắm các thanh tre đã quệt chất keo dính. Một số nơi, người dân còn dùng các thiết bị công nghệ phát ra tiếng kêu để thu hút các loài chim trời. Một khi chim trời đã bị dính bẫy thì khó có thể thoát ra được. Điều này dẫn tới số lượng chim trời ngày càng giảm sút, ảnh hưởng đến cân bằng đa dạng hệ sinh thái.

Để hạn chế tình trạng giăng bẫy săn bắt chim trời, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm TP Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa chỉ đạo các phường, xã, các ngành tăng cường bảo vệ các loại chim hoang dã; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra trên các tuyến phố, các điểm chợ, các cánh đồng trên địa bàn.

Kết quả, cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 1.000 m lưới, thả 200 con chim sẻ về tự nhiên, xử phạt hành chính 3 triệu đồng đối tượng buôn bán chim tự nhiên và yêu cầu thả toàn bộ số chim về môi trường tự nhiên và viết cam kết không tái phạm.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm ven biển thu gom lưới bẫy chim ở phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn.

Hạt Kiểm lâm ven biển đã tham mưu cho UBND các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg về “Một số giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam”. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của các địa phương trên ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường triển tăng cường quản lý, bảo tồn và ngăn chặn hành vi xâm hại các loài chim hoang dã, chim di cư; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các loại bẫy, lưới và giao nộp các loại súng săn, vũ khí, vật liệu nổ để săn bắn chim trời; tổ chức cho các hộ dân thường xuyên vi phạm đặt bẫy chim tại TP Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương ký cam kết không tái vi phạm việc săn bắt chim trời; phối hợp với các địa phương ra quân kiểm tra, kịp thời phát hiện, tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy các bẫy lưới giăng, các dụng cụ bẫy bắt chim. Từ đầu tháng 9-2020 đến nay, đơn vị đã tháo dỡ, tiêu hủy 1.800 m lưới bẫy, tháo dỡ 6 lều cò,16 bẫy sập tại địa bàn TP Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương.

Để tăng cường các biện pháp bảo vệ chim hoang dã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 2016/SNN&PTNT-CCKL ngày 27-5-2022 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã và các loài chim di cư đến toàn thể các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn; phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, UBND cấp xã, phường và các đơn vị liên quan thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, nuôi nhốt, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép động vật hoang dã, nhất là các loài chim hoang dã, chim di cư. Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, phát hiện thu gom dụng cụ, lưới, bẫy bắt chim; kiên quyết không để xảy ra tình trạng giăng lưới, bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển, khu rừng ngập mặn hoặc xảy ra tình trạng quảng cáo, mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố hoặc trên các trang mạng xã hội.

Tại các địa bàn trọng điểm, tiếp tục kiện toàn, duy trì hoạt động của 11 tổ công tác liên ngành cấp huyện, 416 tổ liên ngành cấp xã với 3.920 người tham gia; tổ chức cho 4.350 hộ gia đình ký cam kết không tham gia bẫy bắt, mua bán, vận chuyển chim hoang dã, chim di cư, chim bản địa. Kết quả, thời gian qua lực lượng kiểm lâm đã tổ chức tuần tra, kiểm tra 128 cuộc, phát hiện và xử lý 1 vụ vận chuyển trái phép 5 cá thể chim hoang dã (đã thả về tự nhiên), xử phạt hành chính 3 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bẫy bắt, vận chuyển, buôn bán các loài chim hoang dã.

Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ngan-chan-tinh-trang-san-bat-chim-hoang-da-bao-ve-da-dang-sinh-hoc/25130.htm