Ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép chờ đền bù tại dự án thủy điện Sông Lô 3

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở thị trấn Vị Xuyên, xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã tự ý san tạo mặt bằng đất nông nghiệp ven bờ sông Lô để xây dựng nhà, bể nước, chuồng trại chăn nuôi. Các công trình xây dựng vội vàng với mục đích không phải để sử dụng mà chờ đền bù từ dự án thủy điện Sông Lô 3.

Nhiều công trình xây dựng vội vàng nhằm trục lợi tiền đền bù ở thôn Nậm Thanh, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cuối năm 2017, dự án thủy điện Sông Lô 3 được UBND tỉnh Hà Giang chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có công suất lắp máy 18,5 MW, nằm trên địa bàn huyện Vị Xuyên, vùng ảnh hưởng của dự án bao gồm xã Ngọc Linh, Đạo Đức, thị trấn nông trường Việt Lâm, thị trấn Vị Xuyên.

Đầu năm 2018, mặc dù chủ đầu tư và huyện Vị Xuyên chưa tiến hành công tác cắm mốc, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng người dân xã Ngọc Linh và thị trấn Vị Xuyên đã ồ ạt thuê máy về san ủi đất nông nghiệp ven sông Lô để dựng nhà sàn, xây bể nước, chuồng trại nhằm được hưởng đền bù khi dự án khởi động.

Ông Phạm Đức Chúng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, xã đã nắm bắt được việc một số hộ dân thuê máy xúc về san ủi mặt bằng khu vực ven bờ sông Lô. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được thông tin về việc dự án thủy điện Sông Lô 3 sắp đầu tư nên nghĩ người dân thuê máy về mở đường dân sinh”.

Từ sự thiếu sát sao trong công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của chính quyền cơ sở nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều thửa đất nông nghiệp nằm ven bờ sông Lô bị san ủi, thay đổi hiện trạng, đa phần được hạ cốt sát mặt nước sông Lô. Theo thống kê của xã Ngọc Linh và thị trấn Vị Xuyên, có tổng cộng 26 hộ dân đã tự ý san ủi mặt bằng, xây dựng hàng trăm công trình nhà, bể nước, chuồng trại trên đất nông nghiệp.

Có mặt tại các thôn ven bờ sông Lô thuộc xã Ngọc Linh và thị trấn Vị Xuyên, hầu hết các điểm san ủi mặt bằng đều có nhà sàn, bể nước, chuồng trại được xây dựng vội vàng, san sát theo kiểu làm lấy được. Tại các công trình này, hầu như không có người trông nom, sinh sống. Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy, các công trình xây dựng vội vàng bằng gạch bi, chất lượng kém, cẩu thả, khó có thể sử dụng.

Thực trạng này chỉ được ngăn chặn khi lãnh đạo huyện Vị Xuyên nắm bắt thông tin và yêu cầu các địa phương kiểm tra, báo cáo vào trung tuần tháng 3 vừa qua.

Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lương Văn Đoàn cho biết: “Phát hiện thực trạng trên, huyện yêu cầu các xã kiểm tra, báo cáo và có các biện pháp ngăn chặn. May là huyện phát hiện kịp thời nên không phát sinh số hộ san đất nông nghiệp, xây dựng các công trình trái phép chứ không thì bây giờ tình hình còn phức tạp hơn nhiều”.

Để xảy ra thực trạng trên, huyện Vị Xuyên đã xác định trách nhiệm của chính quyền các xã, thị trấn là chưa sát sao trong công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng, khi phát hiện thì lúng túng, tư tưởng ngại va chạm với dân trong giải quyết. Bên cạnh đó, huyện cũng xác định, có một số đối tượng trong và ngoài huyện đứng đằng sau đầu tư tiền thuê máy san ủi, xây dựng các công trình, khi được đền bù thì ăn chia.

Huyện Vị Xuyên đã kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo các xã, thị trấn, đồng thời giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan chức năng xác định rõ những sai phạm của người dân về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng các công trình trái phép…

“Sau khi có kết quả kiểm tra, những hộ vi phạm sẽ phải tự tháo dỡ các công trình, không tháo dỡ huyện sẽ cưỡng chế. Kiên quyết không thỏa hiệp với các hành vi “trục lợi” tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng phối hợp thực hiện công tác cắm mốc, đền bù, giải phóng mặt bằng”, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lương Văn Đoàn cho biết.

Như vậy, với sự quyết liệt của huyện, nhiều công trình sẽ bị dỡ bỏ, không được hưởng tiền đền bù. Kéo theo đó là lãng phí về tiền bạc, công sức của người dân và chính quyền địa phương.

Điều đáng nói, thực trạng xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp nhằm “trục lợi” tiền đền bù ở xã Ngọc Linh, thị trấn Vị Xuyên không phải là tiền lệ.

Mấy năm trước, đã có hàng trăm hộ dân dựng nhà sàn, xây bể nước, làm chuồng trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên), xã Vĩnh Hảo, Hùng An (Bắc Quang) với mục đích “trục lợi” tiền đền bù của các dự án thủy điện Sông Lô 2 và Sông Lô 6. Chính quyền các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và chủ đầu tư các dự án phải “đau đầu”, tốn nhiều công sức để có phương án giải quyết nhằm bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, lợi ích của doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân.

Khi các vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì nay lại phát sinh vụ việc mới, điều đó cho thấy, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của một số chính quyền cơ sở ở Hà Giang còn thiếu sát sao, yếu kém.

Nhiều bể nước được xây dựng sát bờ sông Lô.

Người dân vẫn cố hoàn thiện các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

KHÁNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/36062502-ngan-chan-tinh-trang-xay-dung-trai-phep-cho-den-bu-tai-du-an-thuy-dien-song-lo-3.html