Ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ở Bắc Cạn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, hàng nghìn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với hy vọng kiếm việc làm có thu nhập cao. Kết quả, phần lớn phải trốn chui, trốn lủi, bị quỵt tiền lương, bị nhà chức trách bắt giam, có người bị chết. Tỉnh Bắc Cạn cần sớm có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này.

An ninh - Trật tự

Trở về sau những ngày bị tạm giam ở Trung Quốc, bà Hoàng Thị Thơi, thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Ðồn đã bỏ hẳn ý định xuất cảnh trái phép.

Trở về nhà đã hơn một năm nhưng bà Hoàng Thị Thơi, thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Ðồn vẫn ám ảnh về những ngày lao động trái phép ở Trung Quốc. Bà Thơi cho biết, nhà nghèo, không có việc làm ổn định, nghe một số người tuyên truyền, bà vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Công việc bà làm là lắp ráp công-tơ điện, chỗ ăn, chỗ nghỉ tạm bợ. Ban đầu, chủ lao động Trung Quốc trả lương đầy đủ, vài tháng sau thì không trả, bản thân bà bị công an Trung Quốc tạm giam, trao trả về nước. Riêng ở Xuân Lạc, có tới 11 người như bà Thơi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, bị bắt giam, trao trả về nước, có người làm hằng năm trời không nhận được đồng lương nào.

Cũng mong giấc mộng đổi đời, anh Phương Văn Quán, xã Ân Tình, huyện Na Rì khấp khởi lên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, qua đường biên giới ở Cao Bằng. Sang làm công việc nặng nhọc được ba hôm thì anh Quán bị bắt, nhà chức trách nước bạn đưa ra tòa án xét xử, buộc nhận án tù giam. Anh Quán cho biết, không chỉ riêng anh, ở các xã Lạng San và Ân Tình còn có tám người khác vừa được thả về từ Trung Quốc sau gần một năm bị bắt giam. Ðể được về nhà, nhiều gia đình phải bán trâu, bò, lợn, dê... vay mượn họ hàng, nộp cho "cò mồi" gần 17 triệu đồng mới đưa được người thân về.

Tại huyện Ngân Sơn, năm 2016, chỉ có 82 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thì năm 2017 tăng lên 246 người; sáu tháng đầu năm 2018 có hơn 180 trường hợp. Trong hai năm 2017 và 2018, 10 trường hợp bị bắt, sau đó trao trả về nước, số còn lại vẫn chưa có thông tin. Phó trưởng Công an huyện Ngân Sơn Lý Văn Thùy cho biết, đi lao động "chui" tại Trung Quốc chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đi trái phép như vậy tiềm ẩn rủi ro như: bị bắt, nộp phạt, không trả lương. Việc lao động trái phép bên nước bạn chủ yếu là công việc thủ công, thu nhập thấp, bị bóc lột sức lao động, khi về nước, kinh tế của người dân cũng không khá hơn.

Ở thôn Bản Ruồi, xã Ðức Vân, huyện Ngân Sơn, phần lớn các hộ đều có người xuất cảnh trái phép. Trung bình mỗi năm ở Ðức Vân có tới hơn 60 người đi lao động trái phép ở nước ngoài nhưng xã không ngăn chặn được. Chủ tịch UBND xã Ðức Vân Lương Văn Luận cho biết, xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng hiệu quả không cao. Nhiều người về, khi được vận động đều hứa sẽ không đi nữa, nhưng một thời gian sau lại đi tiếp. Nhiều trường hợp bị bắt giữ, gia đình khánh kiệt vì vay mượn làm thủ tục chuộc người thân.

Trước tình hình trên năm 2014, Bắc Cạn ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường đấu tranh, ngăn chặn người địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Phó trưởng Phòng Bảo vệ chính trị Hoàng Khắc Thịnh cho biết, toàn tỉnh tổ chức 5.969 buổi tuyên truyền cho 256.344 lượt người về việc không tham gia xuất cảnh trái phép. Công an tỉnh khởi tố bốn vụ, sáu đối tượng về hành vi "Tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài" theo Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã ngăn chặn ba vụ với 66 người đang trên đường xuất cảnh trái phép. Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính hành vi xuất cảnh trái phép đối với 39 người. Công an tỉnh phối hợp Công an tỉnh Lạng Sơn xử lý một đối tượng ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đến huyện Na Rì môi giới, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép. Riêng sáu tháng đầu năm 2018, Công an tỉnh Bắc Cạn đã phát hiện, điều tra hai đối tượng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết số lao động "chui" sang Trung Quốc làm ăn đều có tình cảnh chung là gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết, chưa nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn khi đi lao động phía bên kia biên giới. Thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp, thiếu ổn định. Lúc nông nhàn, một số lượng lớn người lao động có nhu cầu tìm việc làm, do đó dễ trở thành đối tượng bị lôi kéo, dụ dỗ.

Tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động ở Bắc Cạn luôn có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn cho quản lý về nhân khẩu, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ổn định chính trị, xã hội ở địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động chưa đến được với người đi xuất cảnh trái phép, trong khi, công tác tạo việc làm ổn định cho người dân chưa thật sự hiệu quả. Tỉnh Bắc Cạn cần có giải pháp hữu hiệu, nhất là tạo sinh kế bền vững cho người dân để ngăn chặn tình trạng này, tránh để xảy ra việc bị các phần tử xấu lợi dụng, gia tăng các hoạt động chống phá, gây mất an ninh chính trị.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/38387602-ngan-chan-tinh-trang-xuat-canh-trai-phep-o-bac-can.html