Ngăn chặn 'tội phạm ẩn'

Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao, chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Mua bán người được Liên Hiệp Quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào 'Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu'. Tại Việt Nam, tội phạm này xuất hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận 44 người dân do Campuchia trao trả năm 2022

Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận 44 người dân do Campuchia trao trả năm 2022

Nguy cơ ở tuyến biên giới

Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2022, An Giang tiếp nhận 135 nạn nhân (73 nam, 62 nữ) bị mua bán từ Vương quốc Campuchia trở về (có giấy xác nhận là nạn nhân). Trong số đó, đa số là người từ đủ 18 đến dưới 35 tuổi; 84 người bị cưỡng bức lao động, số còn lại bị bóc lột tình dục. Riêng năm 2022, tỉnh tiếp nhận 113 trường hợp (nghi vấn là nạn nhân bị mua bán) do Campuchia trao trả hoặc tự trở về địa phương.

Điển hình, ngày 19/3/2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh) phát hiện, bắt giữ N.T.K.N (sinh năm 1998, ngụ huyện Thoại Sơn) với các biểu hiện nghi vấn môi giới, đưa phụ nữ sang biên giới bán kiếm lời. Đối tượng khai nhận hành vi dẫn 2 phụ nữ (quốc tịch Campuchia) qua Việt Nam để đưa sang Trung Quốc bán, giá 3.000 USD.

Cũng trong giai đoạn này, lực lượng chức năng tiếp nhận 42 tin báo, tố giác tội phạm mua bán người. Có 7 vụ, 11 bị can bị khởi tố tội “Mua bán người”. Cái khó của An Giang là đường biên giới dài gần 100km; địa hình có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, thuận lợi cho bọn tội phạm mua bán người hoạt động.

“Đây là “tội phạm ẩn”, rất khó phát hiện, nên việc thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ gặp nhiều trở ngại. Đối tượng thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo để phạm tội, ít để lại dấu vết. Việc trích xuất, khôi phục dữ liệu hầu như bất khả thi. Các vụ mua bán người có yếu tố nước ngoài thường được đối tượng trong nước liên hệ, móc nối với người Việt Nam (hoặc công dân) ở nước sở tại; hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia. Vì thế, việc điều tra, xử lý, giải cứu nạn nhân không đơn giản” - đại tá Bùi Tấn Ân phân tích.

Phòng ngừa là chính

10 năm qua, ngành chức năng, đoàn thể của tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mua bán người theo từng giai đoạn, từng năm. Nhờ vậy, có sự chuyển biến rõ rệt về tình trạng này. Các nạn nhân bị mua bán trở về đều được tỉnh tiếp nhận, bảo vệ an toàn, quan tâm giải quyết khó khăn, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng…

Thế nhưng, hoàn cảnh nghèo khó, thiếu hiểu biết pháp luật, một bộ phận người dân vẫn bị lợi dụng, lừa gạt mua bán sang biên giới, bị bóc lột sức lao động, không thể tự trở về nước. Một số nạn nhân thiếu nhận thức, thiếu ý chí vươn lên, thừa bất mãn với thực tại, tiếp tục rời địa phương tìm việc hoặc mang tư tưởng hướng ngoại, lấy chồng nước ngoài. Không ít trường hợp tự trở về, không khai báo với chính quyền địa phương (do mặc cảm, sợ cộng đồng kỳ thị), không cập nhật thông tin, dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

“Nhiều năm trước, phần lớn nạn nhân mua bán người là phụ nữ và trẻ em. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp nỗ lực tuyên truyền, vận động trong nhóm đối tượng này; tham gia hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu học nghề giúp nạn nhân có cuộc sống ổn định. Từ sự kiên trì ấy, số lượng phụ nữ bị mua bán phát hiện thấp hơn nam giới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, chú ý đến các chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhóm phụ nữ có nguy cơ cao, nhóm dễ bị tổn thương; duy trì hợp tác quốc tế với Hội Phụ nữ tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia), nhất là về phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Lê Bích Phượng thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhìn nhận: “Công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng nội dung tuyên truyền sát với từng đối tượng, tập trung vào các khu vực trọng điểm; tuyên truyền gắn với thực hiện an sinh xã hội, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.

Ngoài nỗ lực tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân, người dân rất cần sự bảo vệ từ chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. An Giang kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Phòng, chống mua bán người và các quy định liên quan, đảm bảo khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, xem đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài, thường xuyên; thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ để tăng cường hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa khẳng định, An Giang không phải là địa phương nổi cộm về tình trạng mua bán người. Tuy nhiên, vụ việc 42 người “đào thoát” từ Campuchia về biên giới An Giang vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm. Thực trạng, vướng mắc, khó khăn về phòng, chống mua bán người ở tỉnh góp phần tạo thành bức tranh toàn cảnh của cả nước. Từ đó, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm này.

-GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ngan-chan-toi-pham-an--a358887.html