Ngăn chặn vi phạm trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu

Trong thời gian qua, hàng loạt vụ sản xuất, pha chế buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng đã được các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của 'tảng băng chìm', bởi trên thực tế, hiện tồn tại không ít cơ sở cố tình sử dụng chiêu trò tinh vi để tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ nhằm thu lời bất chính. Tình trạng nêu trên không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, làm lũng đoạn thị trường mà còn xâm hại nghiêm trọng quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (NTD).

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu kiểm tra xăng, dầu tại Cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên biển, TP Móng Cái, của Công ty cổ phần Minh Phú 689. Ảnh: HỮU VIỆT

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu kiểm tra xăng, dầu tại Cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên biển, TP Móng Cái, của Công ty cổ phần Minh Phú 689. Ảnh: HỮU VIỆT

Nhiều vi phạm

Vụ việc một “đại gia” miền Tây cầm đầu đường dây sản xuất, pha chế và bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng giả chưa kịp lắng xuống thì mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp các lực lượng chức năng triệt phá đường dây buôn lậu; sản xuất, pha chế xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu. Tang vật thu giữ gồm: gần 2,7 triệu lít xăng giả, hai tàu biển trọng tải 1.500 tấn, năm sà-lan trọng tải từ 400 đến 1.000 tấn, sáu xe bồn, bốn thùng hóa chất tạo mầu cùng hơn 120 tỷ đồng,...

Chỉ tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt giữ, đường dây này đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả, xăng kém chất lượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 60 đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ hành vi buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; đưa và nhận hối lộ,... Đại diện Bộ Công an nhận định, đây là vụ án phức tạp, diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố phía nam cùng với nhiều đối tượng, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu tham gia tiêu thụ sản phẩm.

Quá trình điều tra ban đầu phát hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả. Cơ quan công an cũng đã niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng; phong tỏa, kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng với số tiền phong tỏa hơn 200 tỷ đồng. Vụ việc đang được điều tra mở rộng.

Lực lượng chức năng kiểm tra niêm yết giá bán tại Cửa hàng xăng dầu số 1 Công ty tư nhân Trung Hường tại thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Ảnh: THANH BÌNH

Không chỉ sản xuất, pha chế xăng giả mà hoạt động buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc cũng diễn ra hết sức phức tạp. Cụ thể, ngày 20/5, qua công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại kho xăng dầu của một doanh nghiệp ở thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) lực lượng Công an Bình Thuận đã phát hiện 12 nghìn lít xăng dầu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng công an đã niêm phong, lấy mẫu xăng dầu đưa đi giám định đồng thời làm việc với chủ DN để làm rõ về số hàng nêu trên. Khoảng 3 giờ 45 phút ngày 5/5, tại biển Long Châu (TP Hải Phòng), lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện tàu vỏ sắt chở dầu mang số hiệu HP-8527 đang vận chuyển khoảng 30 nghìn lít dầu ma-dút. Thuyền trưởng tàu HP-8527 đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc, đưa tàu về neo đậu an toàn tại khu vực bến Gót (huyện Cát Hải) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Trước đó, lúc 4 giờ 30 phút ngày 4/5, tại khu vực biển giáp ranh giữa TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình, lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cũng đã phát hiện, kiểm tra tàu vỏ sắt không có số hiệu đang vận chuyển khoảng 25 nghìn lít dầu đi-ê-den không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Siết chặt quản lý

Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng các hành vi vi phạm, tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đơn cử, qua kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thơm Nguyên thuộc Công ty TNHH Nguyên Thơm (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) các lực lượng chức năng phát hiện công ty kinh doanh xăng Ron 95 III và xăng E5 Ron 92 có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Công ty bán lẻ xăng dầu tại cơ sở nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; sử dụng người quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy theo quy định. UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với số tiền hơn 390 triệu đồng, đồng thời yêu cầu thu hồi để tái chế hàng hóa vi phạm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã kiểm tra 14 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, trong đó xử lý sáu vụ vi phạm, phạt tiền gần 556 triệu đồng, thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hơn 15,7 triệu đồng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, từ năm 2020 đến nay, lực lượng này đã kiểm tra hơn 4.550 vụ việc liên quan mặt hàng xăng dầu, xử lý 1.291 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng. Tịch thu, tạm giữ gần 79 nghìn lít xăng dầu các loại với trị giá hàng hóa hơn 1,5 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm diễn ra chủ yếu như không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu; bán xăng dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực; bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bán xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng triển khai công tác chống gian lận thương mại với mặt hàng này. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều khó khăn vì đây là mặt hàng có nhiều ngành cùng tham gia quản lý.

Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự tham gia của quần chúng nhân dân trong việc phát hiện, tố giác để xử lý kịp thời bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

ĐỨC KHÔI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/phapluat/ngan-chan-vi-pham-trong-san-xuat-kinh-doanh-xang-dau-652315/