Ngân hàng chọn trọng tài để đòi nợ vay

Theo khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại thì thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

“Thỏa thuận trọng tài” là một trong các điều kiện tiên quyết để trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp” - luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, nói.

Theo LS Hậu, trong quan hệ thương mại, các bên không mong muốn xảy ra tranh chấp nên điều khoản giải quyết tranh chấp thường ít được quan tâm. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua cơ chế trọng tài.

Mới đây, một ngân hàng tại TP.HCM đã chọn việc giải quyết khoản nợ vay với khách hàng bằng con đường trọng tài. Khi xem xét hợp đồng thì phát hiện hai bên không có thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài mà bằng con đường tòa án nếu xảy ra tranh chấp. Như vậy, nếu đơn thuần căn cứ vào hợp đồng thì ngân hàng phải kiện khách hàng ra tòa để đòi khoản nợ.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại (về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài) thì thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Tức là sau khi xảy ra tranh chấp thương mại, vẫn có thể lựa chọn cơ chế trọng tài để giải quyết nếu giữa các bên có thỏa thuận trọng tài bổ sung chứ không nhất thiết buộc phải kiện ra tòa.

Trong vụ này, bộ phận pháp chế của ngân hàng đã thỏa thuận được với khách hàng lựa chọn nơi giải quyết tranh chấp là trung tâm trọng tài thương mại. Tiếp đó, các bên thỏa thuận lựa chọn được tên trung tâm trọng tài, luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Đặc biệt việc giải quyết tranh chấp này kéo dài không quá bốn tháng, tạo điều kiện tốt nhất cho các bên.

Theo LS Hậu đây là một tín hiệu tốt cho việc giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả của trung tâm trọng tài, đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế hiện nay. Bởi phán quyết của trọng tài có giá trị “chung thẩm” bắt buộc đối với các bên nên không thể kháng cáo hay chống án. Điều này giúp cho doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí cho quá trình giải quyết tranh chấp.

LS Hậu cũng lưu ý, khi ký kết hợp đồng các bên nên ghi đầy đủ các thông tin cần thiết về cơ quan giải quyết tranh chấp để tránh mất thêm thời gian đàm phán lựa chọn sau này. Vì nếu các bên đã phát sinh tranh chấp thì khó tìm được tiếng nói chung.

Về luật áp dụng trong thương mại quốc tế cũng như giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài là do các bên lựa chọn. Nếu việc ký kết và thực hiện hợp đồng ở trên lãnh thổ Việt Nam thì các doanh nghiệp nên thỏa thuận trong hợp đồng về lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ tiếng Việt, luật Việt Nam.

Tuy nhiên, tùy theo khả năng đàm phán mà các bên có thể lựa chọn pháp luật của bên A. hoặc luật của bên H., hay pháp luật của bên thứ ba. Đồng thời, các bên có thể lựa chọn ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh, Pháp, Nhật…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến các điều ước quốc tế về hợp đồng thương mại, các điều ước quốc tế giải quyết tranh chấp thương mại, hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia…

MINH ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/ngan-hang-chon-trong-tai-de-doi-no-vay-792725.html