Ngân hàng chưa 'hấp thụ' hết vốn giá cao, lãi vay khó giảm nhanh

Lãi suất huy động đã giảm 1-2,5%/năm, nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì vẫn chưa 'hấp thụ' hết lượng vốn giá cao đã huy động trước đây.

Lãi suất điều hành liên tiếp được điều chỉnh hạ thấp cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo lãi suất cho vay giảm xuống để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, để thực hiện giảm lãi suất cho vay cần độ trễ nhất định.

Ngân hàng "gồng mình" trả lãi tiền gửi

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy vậy, lãi vay chưa thể giảm ngay, mà cần thêm vài tháng nữa, khi ngân hàng “hấp thụ” hết nguồn vốn huy động với giá cao trước đây.

Theo các chuyên gia, với lãi suất huy động đang từ 7 – 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất cho vay ra từ 9 – 10% là hợp lý.

Theo các chuyên gia, với lãi suất huy động đang từ 7 – 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất cho vay ra từ 9 – 10% là hợp lý.

Sau cuộc đua lãi suất huy động cuối năm ngoái, các ngân hàng đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi. Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 27/28 ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%. Có 9 ngân hàng ghi nhận chi phí trả lãi tiền gửi tăng trên 100%.

Điển hình tại Techcombank, chi phí lãi tiền gửi quý I/2023 ở mức gần 5.020 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ (tăng gần 186%) so với cùng kỳ năm trước. Ở MSB, chi phí trả lãi tiền gửi gần 1.850 tỷ đồng, tăng 1.115 tỷ đồng (khoảng 152%). Chi phí lãi tiền gửi của TPBank ở mức 3.197 tỷ, tăng 1.870 tỷ (khoảng130%)…

Không chỉ chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở hầu hết ngân hàng. Đó chính là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm sâu như mong đợi.

Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng hiện đang thực hiện điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay. Nhưng để giảm sâu có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì cần thêm vài tháng nữa.

Đại diện Công ty TNHH Sinh Dương (Hà Nội) cho biết: Trước đây, mức lãi suất mà doanh nghiệp phải vay lên tới gần 11%/năm nhưng hiện nay đã giảm khoảng 0,5 – 1%. Điều này hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn để có điều kiện tốt hơn trong việc nhập hàng.

Trước đó, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó tác động lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Điển hình, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay cho 240.000 khách hàng với quy mô dư nợ được hạ lãi suất khoảng 1500.000 tỷ đồng…

Một số ngân hàng tư nhân cũng vào cuộc giảm lãi suất. Điển hình như MB đã tung ra 120.000 tỷ các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, gần đây, MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên.

Lãi suất cho vay 9 - 10% là hợp lý

Theo các chuyên gia, với lãi suất huy động đang từ 7 – 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất cho vay ra từ 9 – 10% là hợp lý.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh kênh cho vay online nhằm tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc MSB cho biết: MSB đang ưu tiên cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN, do đó hạn mức tín dụng của ngân hàng sẽ dành ưu tiên cho nhóm khách hàng này. Theo đó, các khách hàng đáp ứng được tiêu chí của MSB và đáp ứng được tình trạng kinh doanh của mình sẽ được giải ngân vốn ngay.

Tuy nhiên, thực tế việc tìm được khách hàng “tốt” để cho vay là không dễ dàng. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn chia sẻ, các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI, nhưng tìm "đỏ mắt" cũng không có khách hàng thỏa tiêu chí như mong đợi để cho vay.

"Giữa các ngân hàng lớn cũng cạnh tranh gay gắt để kéo khách hàng tốt về. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì không nhìn thấy phương án kinh doanh cũng như dòng tiền khả thi", vị này nói.

Các chuyên gia đánh giá, cùng với việc giảm lãi suất cho vay, các doanh nghiệp mong chờ được giãn hoãn nợ sẽ tạo ra những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong thời gian tới.

Hiện nay, NHNN đang thúc các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Mặc dù vậy, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng được cơ cấu nợ.

“Việc cơ cấu nợ không chỉ tùy thuộc vào khả năng trả nợ nếu được cơ cấu của doanh nghiệp, mà còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của ngân hàng”, ông Thịnh nói.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-chua-hap-thu-het-von-gia-cao-lai-vay-kho-giam-nhanh-1092954.html