Ngân hàng có cơ hội bứt phá

Việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa để các nhà băng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Ngân hàng hoạt động có hiệu quả được nới room

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến 20/7, NHNN đã chấp thuận nới room tín dụng lên mức 18 – 22% cho các NHTM, bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, VIB và HDBank.

Quan sát kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhóm ngân hàng vừa được NHNN chấp thuận nới room tín dụng cho thấy, đặc điểm chung của nhóm nhà băng này là có tình hình tài chính lành mạnh và khả năng tăng trưởng tín dụng khá tốt. Theo đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng nửa đầu năm 2020 chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng VPBank, HDBank, VIB, OCB… vẫn có khả năng tăng trưởng tín dụng ra thị trường. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm TPBank đã dùng hết 11% trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13% được NHNN cho phép. Trong khi đó các ngân hàng như Techcombank, HDBank, VIB đều đã lần lượt chạm các hạn mức tăng trưởng tín dụng 13%, 11% và 10,5% mà NHNN cấp hổi đầu năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, việc nới room tín dụng cho các NHTM vào thời điểm này sẽ có hiệu ứng tích cực. Bởi hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã được ghi nhận hồi phục từ cuối quý II và dự báo sẽ tăng mạnh trong quý III. Từ nay đến cuối năm thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng. Vì vậy, việc nới room tín dụng sẽ tạo thêm dư địa để các nhà băng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Đà tăng trưởng mới thuận lợi

Theo nhận định của Tập đoàn phân tích dữ liệu tài chính FiinGroup, việc NHNN chấp thuận nới room tín dụng cho hàng loạt NHTM ở thời điểm hiện tại tạo ra cơ sở rất thuận lợi để các TCTD duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong các tháng còn lại của năm 2020. Các ngân hàng này hầu hết đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.

Phân tích cụ thể ở từng TCTD vừa được NHNN chấp thuận tăng room tín dụng, FiinGroup cũng cho rằng mặc dù những tác động của dịch Covid-19 đối với chất lượng tín dụng và đồng nghĩa là tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ có độ trễ và khả năng cao một số ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vào các tháng cuối quý IV/2020. Tuy nhiên, nhóm nhà băng được vừa được điều chỉnh tăng room trong tháng 7 sẽ có nhiều thuận lợi để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Theo FiinGroup, TPBank, VPBank, VIB… hiện nay là các ngân hàng thuận lợi để tăng trưởng lợi nhuận. TPBank hiện đã tăng vốn chủ sở hữu lên mức 10.200 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức 11% đã khiến lợi nhuận trước thuế đạt mức 1.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu niêm yết của TPB đầu quý III đã ghi nhận ở mức 21.000 đồng, có nghĩa là tăng khoảng 23% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Đối với VPBank, theo ghi nhận của FiinGroup, việc mở room tín dụng vào thời điểm này là cơ hội để đơn vị duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. Bởi trong 6 tháng vừa qua nhà băng này có tốc độ cung ứng vốn vay ra thị trường khá mạnh mẽ. “Nếu như việc bán vốn hoặc IPO đối với Công ty tài chính FE Credit được thực hiện thành công trong các tháng cuối năm thì lợi nhuận của VPBank có thể tăng đột biến trong năm 2020” – FiinGroup nhận định.

Trong khi đó, đối với các nhà băng khác như VIB, HDBank, Techcombank, FiinGroup cũng cho thấy việc nới room tín dụng sẽ tác động tích cực đến hoạt động mở rộng cung ứng vốn vay ra thị trường. Bởi hiện tại VIB là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay cao nhất ngành, đặc biệt là cho vay cá nhân để mua ô tô. Trong khi đó, HDBank hiện tại là một trong những nhà băng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dư nợ và dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 15%, kéo thu nhập lãi tăng trưởng ở mức 18,2%, là mức khá cao trong hệ thống.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 20%

Thống kê trong năm 2020 có 4 ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 20% trở lên nếu được NHNN cho phép gồm MaritimeBank (20%), NamABank (21%), VIB (24%) và OCB (25%). Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tín dụng tăng khoảng 15 - 16% trong năm nay như VietBank, TPBank, SHB, HDBank. Nhóm đặt mục tiêu tăng 10-12% thì có thể kể đến VietcomBank (10%), ACB (11,75%), ABBank (10,5%), LienVietPostBank (10,7%), Sacombank (11%) và Agribank (8,5 - 11%). Tuy nhiên, nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 15-16% trở lên đều có tỷ trọng tín dụng thấp so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Theo Thời báo ngân hàng

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/ngan-hang-co-co-hoi-but-pha-296822.htm