Ngân hàng có nguy cơ bị rửa tiền: Cơ chế kiểm soát...

Các ngân hàng bị lợi dụng, biến thành công cụ rửa tiền là do thiếu cơ chế kiểm soát hoặc kiểm soát chưa tốt.

Ngân hàng có nguy cơ bị rửa tiền ở mức "cao"

Báo cáo "kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017" của Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, cùng với bất động sản và kênh chuyển tiền phi chính thức, ngân hàng được đánh giá có nguy cơ bị rửa tiền ở mức "cao".

Ngân hàng Việt Nam được cảnh báo nằm trong nhóm có nguy cơ rửa tiền cao. Ảnh minh họa

Ngân hàng Việt Nam được cảnh báo nằm trong nhóm có nguy cơ rửa tiền cao. Ảnh minh họa

Đồng tình với đánh giá của Ngân hàng nhà nước, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được xác định có thể liên quan chủ yếu đến tới dòng tiền có nguồn gốc từ các hoạt động bất hợp pháp như mại dâm, buôn lậu, cờ bạc, các hành vi tham ô, tham nhũng, trốn thuế... Để che giấu nguồn tiền thu được, những đối tượng này phải tìm cách tẩu tán ra nước ngoài hoặc đưa vào nền kinh tế thông qua các tài khoản ngân hàng.

Khi dòng tiền bẩn được chuyển qua các tài khoản ngân hàng đi vào thị trường, dùng để chi trả cho các hoạt động mua bán khác, tiền bẩn sẽ trở thành tiền sạch, các hoạt động giao dịch là hợp pháp, khó có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc để một nguồn tiền lớn, hàng nghìn tỉ đồng đi qua các ngân hàng mà không kiểm soát được là do cơ chế kiểm soát, cụ thể là cơ chế chống rửa tiền hiện nay còn chưa được làm tốt.

Theo quy định của luật phòng chống, rửa tiền, những giao dịch đáng ngờ là những giao dịch có giá trị lớn, giao dịch phức tạp, giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày. Khi phát hiện có những giao dịch đáng ngờ, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm trao đổi làm rõ nguồn gốc số tiền với người gửi, bên cạnh đó, cũng phải có báo cáo cụ thể gửi cho Ngân hàng Nhà nước.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, khi nhận được báo cáo từ các ngân hàng thương mại sẽ phải có trách nhiệm thông báo với các cơ quan chức năng có liên quan để điều tra, làm rõ nguồn gốc số tiền trên có được từ đâu?

Tuy nhiên, trên thực tế, để lách luật, các đối tượng phạm tội thường xé nhỏ nguồn tiền, gửi làm nhiều lần hoặc sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Do ở Việt Nam, cơ chế liên kết, phối hợp giữa các ngân hàng còn yếu, thiều sự đồng bộ nên không theo dõi, phát hiện được tình trạng chia nhỏ tiền gửi nhiều ngân hàng để lách luật của khách hàng. Ở Mỹ cơ chế phối hợp giữa các ngân hàng được thực hiện tốt hơn, các hoạt động chia nhỏ tiền gửi nếu có cũng dễ dàng được phát hiện và ngăn chặn ngay.

Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng cũng được coi là một cách để rửa tiền, tuy nhiên, theo nhận định của vị chuyên gia, hiện tượng này ít được các đối tượng sử dụng và thường chỉ xảy ra trong trường hợp các lãnh đạo ngân hàng tự thực hiện.

Mặc dù vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay, nếu các cơ chế kiểm soát được thực hiện tốt, bản thân các ngân hàng cũng chủ động, ý thức trong việc phòng chống rửa tiền sẽ góp phần hạn chế rất nhiều nguy cơ tội phạm lợi dụng ngân hàng để rửa tiền.

Ông lấy ví dụ, một bà cụ 90 tuổi mang số tiền hàng tỉ đồng, vài tỉ đồng ra ngân hàng gửi, ngân hàng hoàn toàn có nghi ngờ, yêu cầu người gửi tiền giải thích rõ hơn về nguồn gốc số tiền mình có. Hay một cậu bé ít tuổi, còn đang đi học cũng mang tiền tỉ gửi vào ngân hàng thì hoàn toàn có thể xếp vào diện các hoạt động bất thường, cần phải làm rõ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng còn lơ là, cơ chế kiểm soát chưa tốt, nhiều giao dịch lớn vẫn bị lọt, tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng, biến ngân hàng thành kênh rửa tiền hiệu quả.

Như vậy, vấn đề ở đây là các ngân hàng đang thiếu những quy trình kiểm soát chặt chẽ hoặc có các quy trình kiểm soát nhưng quá trình thực hiện lại chưa nghiêm, chưa chuẩn. Cùng với đó yêu cầu tuân thủ các quy định chuyển tiền cũng còn lỏng lẻo; thiếu cơ chế liên kết, phối hợp giữa các ngân hàng trong việc phát hiện, ngăn chặn tình trạng chia nhỏ dòng tiền gửi vào nhiều ngân hàng cùng lúc. Ngay cả các biện pháp chủ động phòng vệ, nhằm phát hiện, ngăn ngừa những người có liên quan cấu kết, tạo thành nhóm để thực hiện các hành vi rửa tiền của các ngân hàng cũng rất hạn chế, chưa được thực hiện.

Kể lại ví dụ thực tế, vị chuyên gia cho biết, khi ông được yêu cầu xin mở tài khoản ngân hàng ở các ngân hàng nước ngoài để thực hiện giao dịch trong nước với các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài nhưng bị từ chối.

Khi được hỏi vì sao lại từ chối mở tài khoản ngân hàng cho các ngân hàng Việt Nam, vị chuyên gia nhận được câu trả lời là do lo ngại tình trạng tội phạm lợi dụng các ngân hàng để rửa tiền.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tình trạng rửa tiền tại các ngân hàng Việt Nam đang bị xếp hạng ở cấp có nguy cơ rửa tiền cao. Vì lý do này, ông đã bị từ chối không mở được tài khoản giao dịch ở nước ngoài.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ngan-hang-co-nguy-co-bi-rua-tien-co-che-kiem-soat-3380337/