Ngân hàng điêu đứng vì thẩm định giá nâng khống tài sản bảo đảm

Để đưa ra quyết định cấp tín dụng, các ngân hàng thường dựa vào giá trị tài sản bảo đảm, tuy nhiên, hiện tượng nâng khống giá trị khi thẩm định giá tài sản bảo đảm xuất hiện ngày càng nhiều, khiến ngân hàng điêu đứng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, với việc một số nhân viên buông lỏng đạo đức, thẩm định giá tài sản cao hơn nhiều so với giá trị thực đã đẩy ngân hàng vào thế không thể thu hồi nợ. Nhìn lại các vụ án đã được đưa ra xét xử, hành vi nâng khống giá trị tài sản bảo đảm của cán bộ ngân hàng đã gây ra những hậu quả khôn lường.

NÂNG KHỐNG GIÁ TRỊ TÀI SẢN BẢO ĐẢM LÊN NHIỀU LẦN

Vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB) kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và đồng phạm là ví dụ điển hình cho hành vi nâng khống tài sản bảo đảm.

Biết rõ nếu dùng tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ không thể trực tiếp vay vốn tại ngân hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới là Phan Thành Mai (Tổng giám đốc), Mai Hữu Khương (thành viên Hội đồng quản trị)… lập các biên bản họp Hội đồng quản trị hình thức để sử dụng 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, hợp đồng kinh tế khống.

Từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2014, VNCB Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã tiếp nhận hồ sơ, giải ngân cho các công ty trên vay số tiền 5.000 tỷ đồng. Ngoài một khoản vay 300 tỷ đồng được tất toán, phần dư nợ gốc còn lại lên tới 4.700 tỷ đồng.

Đáng nói, tài sản đảm bảo cho khoản vay là 13 lô đất tại khu vực Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Chinh (Đà Nẵng) thuộc sở hữu Tập đoàn Thiên Thanh đang thế chấp tại ngân hàng khác, nhưng vẫn được các bị cáo đưa vào đảm bảo cho khoản vay trên. Đặc biệt, Phạm Công Danh còn “lái” thẩm định viên định giá những tài sản này gấp 4 lần so với mức định giá mà Phạm Công Danh thế chấp vay tiền tại một ngân hàng trước đó.

Đến tháng 9/2014, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VNCB đã thuê định giá lại và xác định tài sản chỉ có giá trị là 2.604 tỷ đồng (trước đó giá trị bị “thổi lên” là 8.503 tỷ đồng). Hệ quả là VNCB chỉ có khả năng thu hồi được 2.604 tỷ đồng, số còn lại có khả năng mất trắng.

Những trường hợp giấy tờ giả khá phổ biến trong hệ thống ngân hàng, có trường hợp làm giả toàn phần, có trường hợp sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm từ phôi thật để giả con dấu và chữ ký, hoặc có trường hợp phôi thật, con dấu thật nhưng chữ ký giả nên rất khó nhận biết. Trong khi đó cán bộ ngân hàng không hề được đào tạo về nghiệp vụ nhận biết, phân biệt giấy tờ giả nên bằng mắt thường thật sự rất khó để nhận biết đâu là “sổ đỏ” giả đâu là “sổ đỏ” thật.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chủ tịch SB Law.

Tại vụ án khác gần đây, ngày 15/8/2022, ông Đỗ Trung Thành, nguyên Giám đốc một ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn Chi nhánh 10 tại TP. Hồ Chí Minh bị Tòa án Nhân dân thành phố xét xử về tội “nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2007, ông Nguyễn Hữu Cường (Giám đốc Công ty Hưng Lợi Bá và Công ty Hưng Bá) đến gặp bị cáo Thành đặt vấn đề vay vốn để chuyển nhượng quyền sử dụng 100.000m2 đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty TNHH Lâm Thái Vinh với giá 34,3 tỷ đồng. Giám đốc Chi nhánh 10 ngân hàng nêu trên đồng ý cho vay hạn mức 75 tỷ đồng với điều kiện ông Cường phải chi trước phí huy động vốn là 4%, tương ứng 3 tỷ đồng.

Để nộp hồ sơ vay vốn, Cường làm giả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Lâm Thái Vinh; giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nâng khống giá trị tài sản bảo đảm từ 34,3 tỷ đồng thành 60 tỷ đồng. Khi các bộ phận trình hồ sơ ký duyệt, ông Thành không yêu cầu kiểm tra.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Khoa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, đối với tài sản đảm bảo là động sản như máy móc, thiết bị y tế… các tổ chức tín dụng thường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định tài sản. Ngoài ra, nhiều trường hợp thẩm định tài sản đảm bảo là bất động sản vượt xa giá trị thực tế để được hưởng khoản vay cao hơn, dẫn đến khi xử lý tài sản số tiền thu được lại thấp hơn nhiều so với khoản nợ đã vay. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gia tăng nợ xấu.

Chính vì những yếu tố trên, ông Bùi Mạnh Khoa cho rằng cần phân tích giá trị tài sản khi thẩm định và đến khi xử lý tài sản thu được bao nhiêu. Thông qua đó đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, cũng như công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay.

QUY TRÌNH VẪN ỔN NHƯNG NGƯỜI THỰC THI BẤT ỔN

Chia sẻ với VnEconomy, một cán bộ một ngân hàng thương mại thừa nhận tình trạng nâng khống tài sản bảo đảm là có. Nhưng đồng thời, vị này cũng đồng thời nhấn mạnh rằng, nguyên nhân không khởi phát từ quy trình thẩm định cũng như loại hình tài sản đảm bảo.

Thông thường, mỗi ngân hàng thương mại sẽ có quy trình, phương pháp định giá tài sản khác nhau như thẩm định giá theo thị trường, so sánh, chi phí… Tuy nhiên, các quy trình đều phải tuân thủ theo khung quy định chung về thẩm định giá. Đồng thời, các ngân hàng cũng có biện pháp để đưa rủi ro xuống mức thấp nhất cho mỗi loại tài sản bảo đảm.

Cụ thể, đối với giấy tờ có giá, sổ tiết kiệm được phát hành tại chính ngân hàng cho vay, khách hàng có thể vay vốn 100% giá trị. Thế nhưng đối với khoản vay thế chấp bằng tài sản khác đều chỉ được vay từ 70 - 85% giá trị.

Thậm chí, các ngân hàng còn áp hệ số khác vào quá trình thẩm định giá trị tài sản. Hệ số khác này dao động tùy thuộc vào tình hình thực tế. Ví dụ đối với bất động sản, nếu khu vực đó đang diễn ra sốt đất, ngân hàng sẽ áp dụng hệ số thấp. Ngược lại, nếu thị trường ổn định, hệ số áp dụng sẽ cao hơn. Nhưng hệ số khác này thường tối đa 90% và không thấp dưới 70% giá trị. Bởi lẽ, áp cao quá thì ngân hàng chịu rủi ro lớn, còn thấp quá khách hàng sẽ không vay và chuyển sang ngân hàng khác.

“Như vậy, khi áp dụng hệ số khác, giá trị tài sản bị giảm đi. Sau đó, ngân hàng tiếp tục cho vay tối đa 85% trên giá trị thẩm định nên giá trị khoản vay nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản bảo đảm. Để tiếp tục kiểm soát rủi ro, tài sản thế chấp là bất động sản sẽ được định giá lại mỗi năm một lần. Đối với tài sản là động sản, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm và định giá lại theo quý”, cán bộ ngân hàng nêu trên nói.

Theo Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, các sai phạm liên quan đến thẩm định giá khi cho vay tín dụng chủ yếu có nguyên nhân từ yếu tố con người và được chia thành hai lỗi cơ bản.

Thứ nhất, lỗi cố ý. Nhân viên thẩm định vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị cám dỗ từ các khoản “lót tay” hậu hĩnh của khách hàng nhằm nâng cao giá trị tài sản thế chấp. Hoặc, lãnh đạo ngân hàng chấp nhận thổi phồng giá trị tài sản thế chấp để chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, còn quản lý rủi ro bằng các nghiệp vụ khác. Nói cách khác là ngó lơ đầu vào và chấp nhận rủi ro.

Thứ hai, lỗi vô ý. Áp lực công việc ngày càng tăng do tăng trưởng tín dụng, trong khi năng lực chuyên môn của nhân viên thẩm định giá còn hạn chế mặc dù hầu hết các ngân hàng đều có chính sách đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá nội bộ. Đồng thời, nhân viên có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn, kèm cặp nhân viên mới trong quá trình thực hiện.

“Nhìn chung, thẩm định giá có ý nghĩa quan trọng, không những làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay, đầu tư, góp vốn, cấp vốn vào các dự án, mà còn góp phần quản lý rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng, hạn chế việc phát sinh nợ xấu. Theo đó, để tài sản bảo đảm chắc chắn “đảm bảo”, cần có những chính sách nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của phòng thẩm định giá tại các ngân hàng thương mại”, Luật sư Phạm Thanh Dạ Quỳnh nêu quan điểm.

"Việc sử dụng tài sản thế chấp là bất động sản cũng chứa đựng các rủi ro tiềm ẩn. Trong đó, do chỉ ưu tiên tài sản bảo đảm là bất động sản nên khối lượng công việc của nhân viên thẩm định viên rất lớn, ngân hàng cũng khó lòng kiểm soát hết. Điều này dẫn đến hệ lụy là thẩm định qua loa, thẩm định viên thông đồng với khách hàng để nâng khống tài sản bảo đảm lên nhiều lần và hưởng “hoa hồng” theo giá trị khoản vay.

Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, do tình trạng “sốt đất”, giá nhà đất đã hình thành mặt bằng cao, nay lại bị thổi lên gấp nhiều lần thông qua khâu thẩm định. Trong trường hợp thị trường bất động sản giảm giá mạnh, thậm chí đóng băng, nhiều ngân hàng chắc chắn rất khó khăn để thu hồi nợ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Đào Vũ -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ngan-hang-dieu-dung-vi-tham-dinh-gia-nang-khong-tai-san-bao-dam.htm