Ngân hàng dồn dập thoái vốn

Liên tiếp các cuộc thoái vốn đang được các ngân hàng thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu giảm sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.

Thông tư 36 quy định mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng, mỗi nơi không được quá 5%.

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) vừa thông báo về việc bán Công ty Cho thuê tài chính I Agirbank (ALCI) do ngân hàng sở hữu 100% vốn điều lệ.

ACLI có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hoạt động chính là cho thuê tài chính và các nghiệp vụ có liên quan theo quy định của pháp luật. Agribank cho biết các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan có thể đăng ký mua ALCI tại Agribank trước ngày 15/12.

Ngày 20-11 tới, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ bán đấu giá cổ phần vốn tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC). Theo đó, Vietcombank sẽ bán đấu giá 6,6 triệu cổ phần, tương đương 10,9% vốn điều lệ tại CFC với mức giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phần.

Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng được thành lập năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ. Hoạt động kinh doanh chính của CFC là huy động vốn thông qua phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác; các hoạt động tín dụng như cho vay, cho thuê tài chính, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu; mở tài khoản và giao dịch ngân quỹ; dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tín dụng; hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của CFC giảm 88,98% so với năm 2015. Trong 6 tháng 2017 lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 32% so với năm 2016.

Cùng với đó, Vietcombank cũng bán đấu giá phần vốn góp 132,5 tỷ đồng (13,25 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 4,3% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần.

SaigonBank là ngân hàng TMCP đầu tiên được thành lập trong hệ thống các ngân hàng TMCP tại Việt Nam, ra đời vào năm 1987. Trong những năm qua, ngoài việc đưa ra các sản phẩm dịch vụ ngân hàng có chất lượng, phù hợp với đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, SaigonBank còn mở rộng hoạt động đến các đối tượng là các cá nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài.

Hoạt động kinh doanh chính của SaigonBank là huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với các hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi. Bên cạnh đó là các hoạt động tiếp nhận vốn ủy thác đầu tư của các tổ chức tín dụng trong nước; cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; hùn vốn liên doanh; làm dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế; kinh doanh ngoại tệ, vàng; đầu tư vào kinh doanh khách sạn và ăn uống.

Lợi nhuận sau thuế của SaigonBank năm 2016 tăng trưởng khá tốt so với năm 2015 với mức tăng trưởng đạt 223,3%. Lợi nhuận sau thuế của 6 tháng 2017 cũng đã đạt gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2016.

Ngoài Vietcombank, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Đại Dương sẽ bán đấu giá phần vốn góp 40 tỷ đồng (4 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 8% lượng cổ phiếu đang lưu hành tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam với mức giá khởi điểm 10.638 đồng/cổ phần.

Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) tiền thân là CTCP Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh Dịch vụ Nhà ở Dầu khí được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt nam và Tập đoàn SSG. Hiện tại, cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối của PV-SSG là CTCP Tập đoàn SSG với 81,2%, các cổ đông nắm giữ trên 5% gồm Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (8%), CTCP Hạ tầng FECON (6%).

Hoạt động kinh doanh chính của PV-SSG là đầu tư, xây dựng, quản lý và kinh doanh khu “Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cao cấp” trên khu đất 3,8 ha tại X3, xã Mễ Trì, huyện Từ liêm, Hà Nội (Dự án Tổ hợp Khách sạn Dầu khí Việt Nam). Lợi nhuận sau thuế của PV-SSG năm 2015 và 2016 đạt lần lượt là 58 và 30 triệu đồng.

Ngoài ra, được biết, trong năm 2018, Vietcombank sẽ thoái hết vốn tại Eximbank và MB Bank. Hiện Vietcombank còn nắm giữ vốn tại 5 đơn vị, bao gồm 4 ngân hàng là OCB, SaigonBank, Eximbank và MB Bank và một công ty tài chính là CFC.

Việc thoái vốn này là nhằm thực hiện Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó, mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng, mỗi nơi không được quá 5%.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-don-dap-thoai-von.aspx