Ngân hàng đồng hành tối đa cùng nông nghiệp, nông thôn

Hệ thống ngân hàng xác định rõ, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên của Đảng và Nhà nước và luôn có sẵn nguồn vốn dồi dào cho vay những dự án tốt, có dòng tiền hiệu quả. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều rủi ro, rất cần các cơ chế tháo gỡ vướng mắc như bảo hiểm, đất đai, tài sản cũng như minh bạch thông tin… cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành.

Đây là một nội dung nêu ra buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hang thương mại (NHTM) về kiến nghị của ông Võ Quan Huy ở Long An xung quanh kiến nghị của ông đối với vấn đề vay vốn tại Hội nghị Thủ tướng Chính đối thoại với nông dân vừa qua.

Tại lần đối thoại của Thủ tướng với nông dân vào tháng 4/2018, ông Võ Quan Huy đã kiến nghị việc ông có thế chấp nhà màn để vay vốn nuôi tôm theo chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng chưa được ngân hàng cho vay.

Thực hiện lời hứa với lãnh đạo Chính phủ về việc tháo gỡ các vướng mắc cho nông dân về vấn đề vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, sau khi nhận được kiến nghị trên, NHNN đã rà soát để tìm hiểu về quan hệ tín dụng của ông Võ Quan Huy với các ngân hàng. Qua tìm hiểu được biết, qua nắm bắt thông tin từ NHNN các chi nhánh Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và tra cứu qua Trung tâm Thông tin tín dụng NHNN (CIC) được biết, ông Võ Quan Huy và con trai Võ Quan Thuận là Tổng Giám đốc/Giám đốc của 3 công ty đang có dư nợ khoảng 168,203 tỷ đồng tại các TCTD, toàn bộ là nợ nhóm 1 và không có nợ xấu trong 5 năm gần nhất.

Ông Võ Quan Huy bày tỏ ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Phía ngân hàng cũng cho biết, Công ty TNHH Huy Long An Mỹ Bình do ông Huy làm giám đốc bắt đầu quan hệ tín dụng với Agribank chi nhánh Long An, hạn mức hiện tại là 70 tỷ đồng để chăn nuôi bò Úc và trồng chuối. Thực tế, dư nợ ngắn hạn hiện nay là 61,054 tỷ đồng, lãi suất 6,5%/năm, cho vay có tài sản bảo đảm 1 phần bằng bất động sản. Các nhu cầu vay vốn của Công ty đều được ngân hàng Agribank đáp ứng đầy đủ, kịp thời (thậm chí ông Huy chưa dùng hết hạn mức cho vay).

Đại diện các ngân hàng liên quan tại khu vực tại buổi làm việc cũng phản ánh chưa nhận đề nghị nào thêm của ông Huy về vay vốn nào của ông Huy về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Qua phản ánh của một số TCTD trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Quan Huy hiện đang là chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng. Việc ông Huy phản ánh cần vay vốn để nuôi tôm công nghệ cao dùng tài sản thế chấp là nhà màn là kiến nghị cho các thành viên của Hiệp hội.

Tại buổi làm việc với NHNN, ông Võ Quan Huy đánh giá cao nỗ lực vào cuộc của hệ thống ngân hàng để tháo gỡ và có giải thích lại là tại buổi đối thoại ông “nói hộ” một số DN và hộ nuôi tôm thuộc Hiệp hội tôm Mỹ Thanh mà ông làm Chủ tịch chứ không phải vấn đề doanh nghiệp mình.

Ông Võ Quan Huy đánh giá, tìm kiếm nguồn vốn với lĩnh vực nuôi tôm hiện nay rất khó khan, nhiều người phải tìm tới phương thức hợp tác với các đại lý để vật tư để làm hạ tầng nuôi tôm nhưng tính ra lãi suất rất cao. Ông Võ Quan Huy btinày tỏ mong muốn và các ngành liên quan để hỗ trợ cho việc thẩm định cho vay của ngân hàng tốt hơn và có cơ chế pháp lý để bảo vệ các cán bộ ngân hàng giúp mạnh dạn hơn trong quá trình cho vay vốn.

Theo rà soát của phía ngân hàng tại địa phương, hiện nay Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng có 175 hội viên. Tuy nhiên, việc nuôi tôm thời gian qua của người dân, doanh nghiệp tại Sóc Trăng (trong đó có thành viên của Hiệp hội) phụ thuộc nhiều vào môi trường, thời tiết, chất lượng con giống, giá bán trên thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi tôm dẫn đến có không ít doanh nghiệp mất khả năng trả nợ vay ngân hàng, nợ tồn đọng kéo dài.

Đi tiên phong trong việc hỗ trợ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bà con nông dân nuôi tôm, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện chỉ có Agribank chi nhánh Sóc Trăng đã cho vay 15 công ty là thành viên của Hiệp hội tôm. Tuy nhiên, do gặp rủi ro, thời gian qua, Agribank chi nhánh Sóc Trăng đã phải nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các công ty nhưng đến nay chỉ có 3 thành viên của Hiệp hội có hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định và có dấu hiệu khởi sắc và đang có dư nợ là 52,2 tỷ đồng; 2 thành viên đã tất toán nợ; còn 10 thành viên còn lại, Agribank đã bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Thực tế, cho vay phục vụ nuôi tôm tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, thị trường biến động,… Vì vậy, để TCTD có cơ sở thẩm định và quyết định cho vay, NHNN cho rằng, khách hàng hoạt động trong ngành tôm cần nghiên cứu hình thức bảo hiểm nông nghiệp (ngày 18/4/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày của về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó đối tượng nông nghiệp là tôm sú, tôm thẻ chân trắng được hỗ trợ bảo hiểm tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp); khách hàng cũng cần chứng minh phương án sản xuất, năng lực tài chính, dòng tiền.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó quy định trường hợp công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được quy định trong phân loại về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế quyết định các loại công trình được đăng ký quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận. Vì vậy, ông Huy với vai trò là chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cần kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên &Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để người dân thực hiện các thủ tục giao dịch đảm bảo vay vốn ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định luôn sẵn vốn cho các dự án hiệu quả. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Sau khi các ngân hàng, chủ doanh nghiệp trao đổi các ý kiến, phát biểu kết luận, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh hệ thống ngân hàng xác định rõ, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên của Đảng và Nhà nước; bản thân hệ thống ngân hàng cũng luôn xác định điều này. Tuy nhiên trong quá trình làm việc không tránh khỏi những vướng mắc, phía ngân hang sẽ tháo gỡ trong phạm vi của mình, nếu ngoài thẩm quyền, thuộc các bộ, ngành khác thì sẽ báo cáo Chính phủ.

“Ngân hàng đi huy động vốn về, ngân hàng phải lo tìm khách hàng cho vay, chứ không có lý gì gặp khách hàng tốt lại không cho vay”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, việc nuôi tôm kinh doanh thành công ngoài vấn đề vốn mà còn là giống, thị trường, xuất khẩu, thiên tai, dịch bệnh, cơ chế phối hợp liên kết, các ngân hàng luôn xác định chia sẻ với khó khăn của người nuôi tôm,

Thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn với người nuôi tôm như ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; chính sách liên quan đến cho vay vốn hỗ trợ tích trữ, bảo quản nuôi trồng thủy sản đều có ý nghĩa tích cực hỗ trợ cho người nông dân.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp, các hộ nuôi tôm khác cần phải chủ động hơn trong việc hợp tác, tiếp cận với NH và bản thân các NH hiện nay đang rất muốn cho vay, không chỉ cho vay có tài sản thế chấp mà còn cho vay tín chấp. Trong vụ việc này, ông Võ Quan Huy với vai trò là Hiệp hội, ông Huy cần chủ động kiến nghị với các cấp chính quyền, ngành liên quan tại địa phương để giải quyết các vướng mắc khác như đất đai, quy hoạch, giống...

Về phía các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu phải thực hiện đúng chính sách ưu đãi cho vay với lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất dưới 6,5%/năm; Cần tiếp tục quan tâm với khách hàng và rà soát lại các món vay, nhất là nhu cầu vay nuôi tôm, bảm đảm vay vốn đúng mục đích, hiệu quả. Nếu khách hàng chưa đồng thuận, còn vướng mắc gì thì phải giải thích rõ, hoặc sớm có báo cáo về hội sở để giải quyết vướng mắc.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu cơ chế, nhất là cơ chế riêng con tôm. Đặc biệt, Phó Thống đốc chỉ đạo các NHNN địa phương phải nắm bắt giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giám sát cho vay với các lĩnh vực nói chung và con tôm nói riêng, cần có nhiều hơn các cuộc đối thoại với người nuôi tôm và nông dân.

“Ngay sau cuộc họp này, từng chi nhánh NHNN có thể tổ chức đối thoại với người nuôi tôm”, Phó Thống đốc Tú đề nghị.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ngan-hang-dong-hanh-toi-da-cung-nong-nghiep-nong-thon/335958.vgp