Ngân hàng hạ giá bất động sản tới gần 50% vẫn khó bán

Rất nhiều khoản vay có tài sản bảo đảm là bất động sản đang được các ngân hàng rao bán nhiều lần, thậm chí giảm mạnh mức giá đưa ra đấu giá nhưng vẫn chưa thể 'chốt đơn' thành công.

Mới đây, ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 6 của Công ty CP Tấn Lộc với giá khởi điểm lần này là hơn 7,2 tỉ (giá đã bao gồm VAT).

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và khu đất tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 14-5-2023 là 46 tỉ đồng gồm cả nợ gốc, lãi cộng dồn và lãi phạt quá hạn.

Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, khối tài sản này đã được Vietinbank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo đấu giá lần đầu tiên với mức giá khởi điểm chỉ hơn 11,74 tỉ đồng, ngang bằng với dư nợ gốc.

Tuy nhiên, sau 5 lần rao bán không thành công, giờ đây trong lần rao bán thứ 6 khoản nợ này đã giảm giá tới 4,5 tỉ đồng, tương đương giảm gần 40% so với rao bán lần đầu nhưng chưa biết lần này liệu có khách hàng nào mua.

Tương tự, mới đây Sacombank tiếp tục mang ra bán đấu giá là toàn bộ 18 khoản nợ (không tách rời) được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án KCN Phong Phú nằm tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Đây là khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của Các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Tổng giá trị của các khoản nợ này tính đến ngày 31-12-2021 là 16.196 tỉ đồng. Trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỉ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỉ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ bán đấu giá 7.934 tỉ đồng. Mức giá này không thay đổi so với hai lần thông báo đấu giá gần nhất mà Sacombank đưa ra. So với mức giá đưa ra hồi tháng 3-2022 (14.577 tỉ đồng) đến nay khoản nợ này đã được Sacombank giảm khoảng 45% giá trị.

Theo tính toán của Công ty Cổ phần FiinGroup, có đến 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Giá trị tài sản thế chấp là bất động sản trong toàn ngành lên tới 16-17 triệu tỉ đồng.

Tại hội thảo “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng” Phó Vụ trưởng Vụ 10 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) Đoàn Văn Thắng cũng cho biết: Những năm gần đây, vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực “tranh chấp hợp đồng tín dụng” xảy ra ngày càng nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong số các vụ án kinh doanh, thương mại.

Với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp lớn, việc thu hồi vốn, lãi, xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

“Bởi vậy, NHNN cần tăng cường phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, ký quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, cung cấp; phối hợp giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, UBND các cấp, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án… trong việc cung cấp thông tin, quản lý chặt chẽ về tình trạng pháp lý đối với tài sản bảo đảm và việc xử lý tài sản bảo đảm” - ông Đoàn Văn Thắng nêu quan điểm.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-ha-gia-bat-dong-san-toi-gan-50-van-kho-ban-post734045.html