Ngân hàng kết nối, hỗ trợ DN gặp khó do dịch COVID-19 tại Phú Thọ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Trong những năm gần đây, kinh tế của Phú Thọ luôn đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực, năm 2019 đạt mức 7,83%, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho hay: Kết quả sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt, đến 13/7, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.

Đại diện địa phương, ông Vi Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ, đánh giá cao sự chia sẻ của ngành ngân hàng trong việc giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới…

Đại diện tỉnh Phú Thọ kỳ vọng, trong thời gian tới, vốn tín dụng với vai trò huyết mạch sẽ làm hồi sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ hoạt động an sinh xã hội của địa phương.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho biết, Phú Thọ có gần 4000 DN đăng ký hoat động, trong đó 95% DN vừa và nhỏ nhưng đóng góp đến 70% giá trị ngân sách. "Nhìn chung, sức khỏe DN khá yếu, nên nhiều DN gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19", ông Vân chia sẻ.

Do đó, ông Nguyễn Thanh Vân đề nghị phía ngân hàng cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lãi suất cho dư nợ hiện có, căn cứ vào dòng tiền của DN để cấp vốn; thực hiện các thủ tục và điều kiện cấp vốn gọn và đơn giản.

Đặc biệt, cần quan tâm đến đối tượng chế biến nông, lâm, thủy sản ở quy mô hợp tác xã để tăng giá trị cho sản phẩm hay các đối tượng có nhu cầu đổi mới, chuyển đổi loại hình.

Về phần mình, các DN cần năng động, nếu cần có thể thay đổi ngành hàng phù hợp yêu cầu thị trường. Cần tranh thủ đổi mới công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, chuyển đổi loại hình sản xuất phục vụ thị trường nội địa nhiều hơn…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đề nghị các đơn vị cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN tại địa phương.

NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ cần thường xuyên kết nối ngân hàng-DN, thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến Thông tư 01của NHNN, đẩy mạnh hiệu quả xử lý kiến nghị của người dân, DN thông qua đường dây nóng của chi nhánh. Về phía NHNN, các vụ, cục của NHNN tổng hợp các kiến nghị, để hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo phối hợp với ngành ngân hàng phân loại, đánh giá khó khăn của DN theo ngành nghề, mức độ ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh để có sự hỗ trợ phù hợp, trên cơ sở đó ngành ngân hàng sẽ phối hợp tham gia triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho khách hàng.

Còn với các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu cần quyết liệt và chủ động triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông tư 01 ngày 13/3/2020 để chính sách đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vay vốn.

Cần chủ động đánh giá, phân loại khó khăn của DN theo từng mức độ ảnh hưởng của dịch để kịp thời áp dụng các hình thức, biện pháp hỗ trợ phù hợp với mức độ thiệt hại của khách hàng; các TCTD cần thống nhất, đồng thuận để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng.

Cần chủ động cân đối nguồn vốn để bảo đảm cung ứng đầy đủ và kịp thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận tín dụng, tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

“Tuy nhiên, không nới lỏng, hạ thấp điều kiện, chuẩn tín dụng để che dấu nợ xấu, lợi dụng chính sách, tránh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống và tổn hại cho nền kinh tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lưu ý.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ngan-hang-ket-noi-ho-tro-dn-gap-kho-do-dich-covid19-tai-phu-tho/401694.vgp