Ngân hàng lại ồ ạt tăng vốn

Hệ thống ngân hàng (NH) Việt đang chứng kiến những đợt tăng vốn 'khủng' của hàng loạt NH. Với kỳ vọng nâng cao năng lực tài chính, các NH vào cuộc đua tăng vốn.

Hướng dẫn khách làm thủ tục tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Việt Linh

Cuộc đua tỷ USD

Mới đây, NHTM CP Quân đội (MB) đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng, Để thực hiện, MB duy trì cổ tức 11% (6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14%. Techcombank chốt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2 trong quý III/2018 để tăng vốn lên mức 34.965 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các NH phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Còn theo hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch, hệ thống NH Việt Nam có thể thiếu nguồn vốn khoảng 20 tỷ USD, tương đương 9% GDP, để đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp ước vốn Basel II.

Vietcombank mới đây cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua. BIDV dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc. Hiện có 4 trong tổng số 34 NH có vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Với kế hoạch tăng vốn “khủng” ngay trong năm nay, dự kiến khi hoàn tất, vốn điều lệ của hàng loạt NH cũng sẽ đạt ngưỡng tỷ USD.
Nổi bật là VPBank, thông qua kế hoạch tăng vốn tới 70% lên mức 25.200 tỷ đồng (theo kế hoạch đầu năm, mức tăng vốn tối đa theo kế hoạch của ngân hàng này là 27.800 tỷ đồng. NHTMCP Phương Đông (OCB) tăng 50% lên 7.500 tỷ đồng, SeABank tăng 65% lên 9.000 tỷ đồng... ABBank muốn tăng vốn gấp đôi lên 10.638 tỷ đồng. Hay như LienVietPostBank đã hoàn thành tăng vốn từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng và dự kiến tăng tiếp lên mức 10.368 tỷ đồng trong năm nay, thông qua phát hành gần 287 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Áp lực còn tiếp tục
Năm 2018, hoạt động kinh doanh NH đều khả quan, lợi nhuận tiếp tục khởi sắc… Đây là cơ hội thuận lợi cho các NH giữ lại lợi nhuận để tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính và quan trọng hơn là tiến tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo quy định tại Hiệp ước Basel II. Năm nay, nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến từ việc chia cổ tức, thặng dư các năm trước để lại. Bên cạnh đó, mỗi NH có thể lựa chọn một hoặc kết hợp các phương thức để thực hiện việc tăng vốn như phát hành riêng lẻ cổ phiếu, mua bán sáp nhập...
Giải thích về kế hoạch tăng vốn của NH, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, việc này không chỉ nhằm đáp ứng chuẩn của NHNN, mà còn muốn mức dự trữ vốn của NH cao hơn bình thường. Lãnh đạo SHB thì chia sẻ, kế hoạch tăng vốn của NH nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh, đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng, đầu tư.
Với cách tính hệ số an toàn vốn (CAR) mới, các thông số đầu vào để tính sẽ khắt khe hơn và có xét đến các yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Áp lực lên việc tăng vốn tự có từ nay cho đến thời điểm đó là rất lớn. Ngoài ra, làn sóng tăng vốn sẽ tiếp tục, nhất là đối với những NH yếu kém, việc tăng vốn để bổ sung vốn điều lệ là cấp thiết.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nợ xấu có giảm nhưng gần đây lại có xu hướng tăng lại. Báo cáo tài chính quý III/2018 do các NH công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 (nợ quá hạn trên 360 ngày), tức nợ có khả năng mất vốn tại nhiều NH tăng cao. Điều này buộc các NH sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro lớn và làm giảm lợi nhuận của các NH. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến vốn tự có của các NH.
TS Cấn Văn Lực đánh giá, việc tăng vốn NH là cần thiết, song tăng vốn ồ ạt trong năm 2018 cũng tiềm ẩn nhiều mối lo. Một lượng cổ phiếu khổng lồ được tung ra thị trường sẽ gây ra áp lực: Nhà đầu tư bị quá tải; khi doanh thu và lợi nhuận không đạt được như kế hoạch hoành tráng mà lãnh đạo các NH đưa ra, giá cổ phiếu bị pha loãng rủi ro và thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về các cổ đông. Các chỉ số như tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản có bình quân (ROA), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) giảm mạnh. Đó là chưa kể tới hàng loạt hệ lụy như sở hữu chéo, nợ xấu… mà ngành NH lao tâm giải quyết tới nay vẫn chưa xong.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ngan-hang-lai-o-at-tang-von-330290.html