Ngân hàng lớn tận thu khách hàng bằng nhiều loại phí bất hợp lý

Một số ngân hàng đang tìm cách tận thu khách hàng qua những loại thuế phí bất hợp lý. Trong khi lãi suất tiền gửi ATM trả theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, rất thấp so với lãi mà ngân hàng thu được khi dùng số tiền đó để cho vay

Mới đây, bốn ngân hàng lớn trên thị trường là Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV cùng thông báo tăng phí rút tiền ATM từ 1.100 đồng lên mức 1.650 đồng/giao dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng thông báo tăng phí. Trước đó, vào hồi tháng 5/2018 các ngân hàng cũng đã có thông báo tương tự. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện do Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo tạm dừng việc tăng phí ATM.

Thực tế, cùng với phí rút tiền nội mạng, thời gian qua, các ngân hàng cũng tăng nhiều loại phí dịch vụ khác như phí chuyển khoản liên ngân hàng, phí SMS Banking, Mobile Banking…

Liên quan đến việc tăng phí của các ngân hàng, Theo chuyên gia Tài chính Ngân hàng- TS Nguyễn Trí Hiếu, số tiền tăng không phải nhiều nhưng 4 ngân hàng lớn có số lượng khách hàng bao trùm trong hệ thống, việc họ tăng phí sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu khách hàng.

Tiền trong tài khoản ATM của khách được trả lãi nhưng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, rất thấp so với lãi mà ngân hàng có thể dùng số tiền đó để cho vay.

Đặc biệt, đối tượng bị tác động nhiều hơn chính là công nhân, người lao động vì họ nhận lương qua tài khoản.

“Với giới có tiền, tầng lớp trung lưu thì việc tăng phí một vài nghìn không phải là điều quan trọng nhưng với người lao động, thu nhập chỉ 2.500 USD/năm thì sẽ chịu tác động nhiều hơn. Nó còn có thể tác động đến chủ trương không dùng tiền mặt. Mỗi lần lấy lương, công nhân, người lao động có thể sẽ rút hết tiền ra để tiêu dần thay vì để trong ATM”.

Chuyên gia Tài chính Ngân hàng- TS Nguyễn Trí Hiếu

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lập luận của các ngân hàng thương mại rằng hệ thống ATM tạo ra chi phí cho ngân hàng là đúng. Bởi nó bao gồm phần chi phí đầu tư, chi phí công nghệ thông tin, chi phí thường xuyên bao gồm tiền điện, bảo trì máy, sửa chữa, chi phí cho số tiền mặt bỏ vào máy ATM, có nghĩa là thay vì ngân hàng sử dụng số tiền đó để cho vay thì số tiền nằm chết ở ATM để chờ khách hàng đến….

“Tuy nhiên, ngân hàng phải hiểu rằng ngân hàng đang sử dụng tiền gửi của khách hàng, mặc dù số tiền này được trả lãi nhưng lãi suất tiền gửi ATM là lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn, nó rất thấp so với lãi mà ngân hàng có thể dùng số tiền đó để cho vay.

Ngân hàng đã có cơ hội sử dụng tiền của khách hàng để hoạt động tín dụng, đầu tư. Ngân hàng đã lấy được tiền, bù trừ chi phí từ đó. Vì thế Ngân hàng chỉ nên yêu cầu khách hàng đóng các loại phí cơ bản nhất như phí mở tài khoản, phí chuyển khoản, phí rút tiền ATM khác hệ thống”, TS Hiếu nói.

Theo TS Hiếu, hiện nay có nhiều loại phí bất hợp lý như phí chuyển tiền nội bộ, phí sao kê tài khoản…

“Có lẽ một số ngân hàng đang tìm cách tận thu khách hàng qua những loại thuế phí của họ”, TS Hiếu nhấn mạnh.

“Họ thu phí, tăng phí chuyển tiền nội bộ là bất hợp lý. Chuyển tiền nội bộ trong cùng ngân hàng thì số tiền đó vẫn ở trong hệ thống, ngân hàng vẫn có thể sử dụng số tiền đó. Bên cạnh đó, khách hàng có quyền biết trong tài khoản của họ có bao nhiêu tiền, thông tin này rất quan trọng nhưng mỗi lần họ lấy thông tin, sao kê tài khoản lại bị tính phí. Ở Mỹ, không có chuyện rút tiền ATM, chuyển tiền trong cùng hệ thống, sao kê tài khoản mà bị tính phí. Thậm chí việc phát hành thẻ cũng không bị tính phí. Họ quan niệm rằng việc rút tiền ở ATM có lợi cho ngân hàng, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng nhân công, trả tiền hội sở trụ sở, chi nhánh…”

Nội dung

- Phí rút tiền ATM nội mạng: Vietcombank, Vietinbank, BIDV là 1.100 đồng; VIB miễn phí; MBBank từ 1.100- 3.300 đồng;

- Phí rút tiền ATM ngoại mạng: tại Vietcombank là 3.300 đồng/giao dịch; tại BIDV là 3.300 đồng; VIB là 3.300 đồng; MBBank 3.300 đồng

- Phí chuyển cùng hệ thống ngân hàng: tại BIDV là 1.650 đồng; Vietcombank 3.300 đồng; Vietinbank 3.300 đồng; Agribank 3.300 đồng; MBBank 3.300 đồng

- Phí in sao kê: Phí yêu cầu in sao kê tại BIDV là 5000 đồng/lần, Vietcombank thu 550 đồng/giao dịch

- Phí chuyển tiền liên ngân hàng: Vietcombank thu 5.500 đồng/giao dịch; Vietinbank 11.000 đồng; Agribank thu 8.800 đồng; SHB 9.900; MBBank thu phí 3.300 đồng

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ngan-hang-lon-tan-thu-khach-hang-bang-nhieu-loai-phi-bat-hop-ly-post267904.info