Ngân hàng mở - giúp ngành tài chính vượt bão Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam, biểu hiện rõ nét nhất là mức tăng trưởng của tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,32% (cùng kỳ năm 2019 là 4,4%). Trong bối cảnh đó phát triển ngân hàng mở thông qua kết nối các Fintech được kỳ vọng giúp ngành này tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Là những thông tin đưa ra tại Diễn đàn dịch vụ tài chính và hội thảo Future Banking với chủ đề “Phát triển các dịch vụ bảo hiểm; kinh doanh chứng khoán trên nền tảng số và hiện thực hóa mô hình ngân hàng mở - giải pháp giúp các tổ chức tài chính vượt qua khó khăn do dịch Covid-19” diễn ra ngày 28/5, do Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam phối hợp với IDG Vietnam tổ chức.

Đánh giá về những tác động của đại dịch với thị trường tài chính ngân hàng, các chuyên gia cho biết: Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong quý 1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Cuối tháng 3/2020 chỉ số VN Index giảm 31% so với cuối năm 2019, trong đó mức giảm của VN Index riêng trong tháng 3 là 21%.

Khối ngoại bán ròng liên tục với giá trị lớn gây áp lực lên thị trường, cụ thể: bán ròng 10,3 nghìn tỷ đồng cổ phiếu (khoảng 441 triệu USD) và 3,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu (khoảng 154 triệu USD) trong quý 1. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán chịu nhiều áp lực bởi đại dịch

Thị trường chứng khoán chịu nhiều áp lực bởi đại dịch

Theo Nhật ký Fiin Trade của FiinGroup, tính đến hết ngày 29/04/2020, lợi nhuận sau thuế của 722 doanh nghiệp niêm yết phi ngân hàng (tương đương 63,3% vốn hóa thị trường) giảm 23,8%. Đối với bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới bảo hiểm nhân thọ chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận hoạt động tài chính của hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm cũng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2019.

Các chuyên gia cho biết, trước những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức tài chính cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hoạt động cung ứng dịch vụ của mình để thoát khỏi suy thoái. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ nền tảng mở (API), hay còn biết đến với thuật ngữ ngân hàng mở (Open Banking) được cho là xu thế phù hợp và được nhiều ngân hàng triển khai thực hiện.

Các ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ phát triển ngân hàng mở

Theo bà Phạm Châu Loan, đại diện của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), việc phát triển ngân hàng mở giúp các ngân hàng thích ứng với mô hình kinh doanh mới bên cạnh mô hình kinh doanh truyền thống, giúp giảm chi phí giao dịch, tối ưu hóa quy trình và thời gian giao dịch cho khách hàng. Vì thế, Vietcombank đã hợp tác triển khai với các Fintech ở đa dạng các lĩnh vực thông qua chia sẻ API như: Thanh toán điện, nước, y tế thông minh, hành chính công, mua sắm giải trí, giáo dục, giao thông. Trong đó, với y tế thông minh đã có gần 80 đơn vị triển khai phát hành thẻ ngân hàng tích hợp thẻ khám chữa bệnh; Với mua sắm giải trí, Vietcombank đã kết nối hệ thống với đa dạng các nhà cung cấp dịch vụ tối ưu hóa nhu cầu mua sắm, giải trí của khách hàng như thời trang, ẩm thực, làm đẹp, du lịch, vui chơi giải trí…

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng Công thương Việt Nam chia sẻ mô hình và kinh nghiệm trong việc phát triển ngân hàng mở tại Vietinbank

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chia sẻ, theo truyền thống thì ngân hàng vốn có các kênh phục vụ cho khách hàng trực tiếp tại quầy, qua các cây ATM hoặc internet banking… Tuy nhiên với yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, Vietinbank sẽ phát triển ngân hàng mở qua mở rộng kết nối với các đối tác, công ty Fintech và các ngành nghề khác nhau. Mục đích cung cấp API dịch vụ tài chính ngân hàng lồng ghép vào dịch vụ của các đối tác trên thị trường, từ đó tạo hệ sinh thái phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Dù được đánh giá là xu thế phù hợp song theo các ngân hàng, phát triển ngân hàng mở đang gặp một số khó khăn trong việc đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và an ninh mạng, chi phí đầu tư để xây dựng và quản lý APIs lớn, thiếu các chuẩn chung - cơ chế xác định trách nhiệm của các bên và giải quyết tranh chấp. Chính vì thế, các ngân hàng cho rằng, để triển khai ngân hàng mở hiệu quả, cần có hành lang pháp lý để giúp cho các tổ chức tài chính có định hướng để triển khai Open API/Open banking trong tương lai.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở để tạo điều kiện cho các ngân hàng cũng như cộng đồng Fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-mo-giup-nganh-tai-chinh-vuot-bao-covid-19-138085.html