Ngân hàng nắm cơ hội vượt chỉ tiêu lợi nhuận 2019

'Làn đường' có dấu hiệu được nới rộng hơn, đã xuất hiện một số ứng viên vượt trội và thuận lợi, nhưng không hẳn tất cả các cỗ xe đều đạt được tốc độ tối ưu.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, các dư địa trong sử dụng vốn thuận lợi hơn, TPBank hứa hẹn sẽ tiếp tục là thành viên duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và vượt đích lợi nhuận năm nay.

Ngay sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động ngân hàng Việt Nam xuất hiện những tín hiệu mới về tổng thể và riêng lẻ, hứa hẹn nối tiếp một năm khả quan về lợi nhuận tại một số thành viên.

Cơ hội không mở rộng

Khá bất ngờ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa chủ động cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản đến 31/7/2019. Theo đó, lợi nhuận lũy kế 7 tháng đầu năm nay đột biến tới 8.200 tỷ đồng. So với mục tiêu 10.000 tỷ đề ra đầu năm nay, Agribank đã thực hiện được hơn 80% và trở thành ứng viên có triển vọng vượt xa chỉ tiêu.

Bên cạnh Agribank, trong khối ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước chi phối và có quy mô lớn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa công bố sự kiện quan trọng, tạo động lực và triển vọng tăng tốc nửa cuối 2019: bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, dự thu hơn 20.000 tỷ đồng bổ sung vốn, mà qua đây có thể chủ động hơn trong đáp ứng Basel 2 và được nới chỉ tiêu tín dụng.

Đó là hai thành viên có chuyển động mới đáng chú ý năm nay. Bên cạnh đó, “làn đường” cũng đã được nới thêm, tạo cơ hội cho một số thành viên khác có thể tăng tốc. Nhưng, cơ hội này không mở rộng.

Cụ thể, với những thông tin cập nhật vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17% cho các ngân hàng thương mại đã đạt Basel 2 trước thời hạn, hầu hết các ngân hàng này đều đang chuẩn bị tích cực cho việc hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm.

Với việc biên lãi suất có thể co hẹp, các ngân hàng đều phải tìm kiếm thêm các nguồn thu từ phí dịch vụ hoặc còn phải để được dư địa cho sự tăng trưởng. Trong nhóm các ngân hàng cổ phần, TPBank là một trong số các thành viên đã chủ động “để dành” các giới hạn để nắm cơ hội này tốt hơn. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 7 tháng đầu của TPBank đạt 1.888 tỷ đồng (gần 60% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2019). Báo cáo hoạt động nửa đầu năm nay cho thấy, TPBank sở hữu một tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) ở mức khá thấp, chỉ 70,69%; đặc biệt, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn đến 30/6/2019 chỉ khoảng 25%. Theo đó, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, các dư địa trong sử dụng vốn thuận lợi hơn, TPBank hứa hẹn sẽ tiếp tục là thành viên duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và vượt đích lợi nhuận năm nay.

Hướng đến mục tiêu kép

Qua nửa đầu 2019, với tiến độ đã thực hiện, phần lớn các ngân hàng thương mại đều đã đạt trên 50% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Và như thường thấy nhiều năm qua, đặc điểm chung của nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ thực hiện kế hoạch thường được đẩy cao hơn trong nửa cuối năm.

Nhưng, 6 tháng cuối năm 2019 với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung đang có một thử thách đến gần: nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Báo cáo tài chính nhiều ngân hàng thương mại cuối quý 2/2019 đã cho thấy thực tế tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với cuối 2018. Điểm được chú ý, nửa cuối năm nay, lượng nợ xấu dồn bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong nửa cuối năm 2014 theo kỳ hạn 5 năm sẽ đáo hạn.

Tuy nhiên, cũng vì được giãn ra trong 5 năm qua, theo quy định đã trích lập dự phòng 20% mỗi năm, nên áp lực dự báo sẽ không quá lớn để níu kéo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Thậm chí tại một số thành viên, mục tiêu kép đang đặt ra tại đây. Với những thông tin đưa ra đầu năm hoặc cập nhật gần đây, những trường hợp như Agribank, BIDV, Vietbank đã có kế hoạch từng bước có thể tất toán xong nợ xấu tại VAMC.

Và vẫn là trường hợp TPBank, mục tiêu kép cũng đã được đặt ra. Cụ thể, với 1.888 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 7 tháng đầu năm, thì 1.312 tỷ đồng chỉ tiêu còn lại cho 5 tháng cuối năm (theo kế hoạch đạt 3.200 tỷ đồng cả năm) đang có những thuận lợi với khả năng nắm bắt tốt cơ hội nói trên. Đáng chú ý, TPBank đã trích lập đầy đủ dự phòng xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong 07 tháng đầu năm 2019, mục tiêu xóa nợ xấu sẽ được hiện thực trong năm nay đúng như kế hoạch (số dư trái phiếu VAMC của TPBank đầu năm là 756 tỷ đồng).

Giá trị của mục tiêu kép không dừng lại ở đó. Những trường hợp cùng lúc vừa đạt Basel 2 trước hạn, vừa không còn nặng nợ tại VAMC như Vietcombank, MB, VIB, Techcombank và TPBank…, triển vọng hoạt động dự báo sẽ nhẹ bước hơn nữa trong năm 2020, để hướng đến tiếp tục thể hiện tốc độ tăng trưởng tốt và hiệu quả ở nhóm đầu của hệ thống.

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/ngan-hang-nam-co-hoi-vuot-chi-tieu-loi-nhuan-2019-3517123.html