Ngân hàng nhà nước xếp hạng tổ chức tín dụng: Sao không công bố?

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008 ban hành Quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần.

Người dân và giới đầu tư rất cần thông tin đánh giá tín nhiệm các TCTD để lựa chọn giao dịch, đầu tư Ảnh: ST.

Đây là một nhiệm vụ của NHNN trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, tuy nhiên điều này cũng đang gây nhiều ý kiến trái chiều về việc NHNN sẽ không công bố công khai bảng xếp hạng này.

Mang tính chất nội bộ

Thời gian qua, hệ thống TCTD tại Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng, thậm chí còn được đánh giá ở mức khá cao. Tiêu biểu, đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố danh sách xếp hạng của các ngân hàng thương mại Việt Nam, trong đó có 8 ngân hàng được Moody’s xếp hạng B1. Mới đây nhất, vào đầu tháng 9, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor’s (S&P) đã công bố nâng hạng triển vọng tín nhiệm của một số ngân hàng thương mại lên mức “ổn định”. Tại Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập vẫn chưa có nhiều uy tín nên số tổ chức hoạt động còn rất ít. Hiện mới chỉ có bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2017 của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nhận được sự quan tâm của giới tài chính - ngân hàng sau khi công ty này tổ chức thường niên từ năm 2012.

Chính vì thế, ngay khi NHNN công bố dự thảo về xếp hàng TCTD, các chuyên gia ngân hàng đều đánh giá cao bởi đây sẽ là bước ngoặt trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, giúp quản lý hệ thống ngân hàng dựa trên thanh tra, quản lý rủi ro, thanh khoản của các ngân hàng chứ không chỉ dựa vào thanh tra tuân thủ như trước đây.

Tuy nhiên, vấn đề đáng “bàn cãi” ở đây là kết quả xếp hạng chưa được công bố trên website của NHNN do tính chất nhạy cảm của việc công bố. Đồng thời, chất lượng của việc xếp loại cũng chưa được bảo đảm chính xác, chủ yếu dựa vào kết quả tự xếp loại do các ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo. Do đó, dự thảo Thông tư không quy định việc NHNN phải công bố việc xếp hạng các TCTD và NHNN chỉ thông báo kết quả xếp hạng cho từng TCTD. NHNN cho rằng, qua nghiên cứu và tham khảo các tổ chức quốc tế (WB, JICA), hiện chưa có quốc gia nào mà cơ quan quản lý công bố kết quả xếp hạng các TCTD. Vì thế, NHNN khẳng định, việc xếp hạng các TCTD nhằm phục vụ an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; cảnh báo kịp thời giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, việc NHNN không công bố kết quả xếp hạng cũng hợp lý, bởi đây có thể được xem như một quy định mang tính chất nội bộ, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành. Hoạt động này cũng tương tự như việc đánh giá, xếp loại khách hàng của các DN hay TCTD nhằm quyết định việc cho vay hay không, tỷ lệ vay và thời hạn trả nợ…

Hơn nữa, các chuyên gia còn nhận định, quyết định này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi do mục đích khác nhau, nên ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới đều không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các TCTD như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ. Tiêu biểu như Ngân hàng Dự trữ New Zealand (NHTƯ) chỉ công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm của 3 tổ chức xếp hạng uy tín như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings về các TCTD.

Cần nhiều hơn tổ chức đánh giá, xếp hạng độc lập

Mặc dù có nguyên nhân khá hợp lý, nhưng theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Kiến Thành, các cơ quan quản lý có trách nhiệm Giám sát hoạt động của ngân hàng, nên ngay khi phát hiện TCTD yếu kém, NHNN cần công bố rộng rãi để người dân được biết và có biện pháp đề phòng, xử lý rủi ro. Vị chuyên gia này còn cho rằng, việc NHNN cho rằng không công bố công khai thông tin xếp hạng do lo ngại tính chất nhạy cảm cần được xem xét lại, phải có biện pháp tạo cơ chế minh bạch về hoạt động của hệ thống TCTD với công chúng, bởi đây là lĩnh vực có tác động lớn tới kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo lý giải của NHNN, để đảm bảo thông tin về các TCTD được công bố công khai, NNNH đã yêu cầu các TCTD phải công khai báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trên trang thông tin điện tử (website) hoặc nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh của TCTD và đăng trên 01 số báo có phạm vi phát hành toàn quốc nhằm phục vụ các cá nhân, tổ chức (nhà đầu tư, người gửi tiền…) có nhu cầu tìm hiểu về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các TCTD. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings và các tổ chức trong nước đều có các nghiên cứu, công bố kết quả xếp hạng về các TCTD Việt Nam.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, số lượng các tổ chức độc lập xếp hạng TCTD tại Việt Nam còn hạn chế, các tổ chức uy tín trên thế giới lại chỉ đánh giá một số ngân hàng thuộc top đầu, chưa bao quát hết hệ thống TCTD tại Việt Nam. Do vậy, chuyên gia này đề nghị, các cơ quan quản lý cần cho phép, cấp phép và ban hành những quy tắc, hành lang pháp lý cụ thể để các tổ chức đánh giá độc lập hoạt động tốt tại Việt Nam. Để qua đó, người dân và các nhà đầu tư có thêm nhiều thông tin, nhiều lựa chọn về các TCTD.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-nha-nuoc-xep-hang-to-chuc-tin-dung-sao-khong-cong-bo.aspx