Ngân hàng phát triển Châu Á: Kinh tế Việt Nam sẽ chịu những rủi ro đáng kể

Mặc dù giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam trong năm nay và năm tới, nhưng báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng nêu lên những rủi ro đáng kể đối với dự báo tăng trưởng kinh tế, nhất là trước tác động của căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu…

Cụ thể, trong báo cáocập nhật Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2019, công bố hôm nay (25/9) của ADB cho biết, dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Các dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020.

Dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020

Ông Eric Sidgwick,Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp”.

Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.

Về phía cầu, tiêu dùng nội địa tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực. Tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục tăng nhờ lạm phát thấp, nhiều công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ. Những nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.

Nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu mới được ký kết cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường cho thương mại và đầu tư.

Do đó, các dòng vốn FDI sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới, với minh chứng là 13,1 tỉ USD đã được cam kết trong 8 tháng đầu năm 2019. Hơn nữa, Luật Đầu tư công mới được sửa đổi sẽ cải thiện đầu tư công thông qua việc đẩy nhanh quy trình và thủ tục và giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

ADB cũng dự báo lạm phát bình quân được điều chỉnh xuống 3% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020. Lạm phát bình quân tính theo năm được kiềm chế ở mức 2,6% trong 8 tháng đầu năm 2019, mức thấp nhất trong ba năm gần đây.

Áp lực lạm phát trong ngắn hạn có thể đến từ việc điều chỉnh tăng một số giá cả do nhà nước quản lý, nhu cầu trong nước mạnh, tiền lương tối thiểu tăng, và giá lương thực có thể tăng do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và hạn hán nghiêm trọng. Tuy nhiên, áp lực này có thể bị kiềm chế bởi giảm tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng.

H. Trang

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-phat-trien-chau-a-kinh-te-viet-nam-se-chiu-nhung-rui-ro-dang-ke-76195.html