Ngân hàng Quảng Trị 72 năm xây dựng và trưởng thành

Cách đây 72 năm, ngày 6/5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam, của công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp nói chung và của nền tiền tệ - tín dụng nước nhà nói riêng. Từ một nước thuộc địa không có chủ quyền về tiền tệ, ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, bằng ý chí và sáng tạo của mình, dựa vào lòng yêu nước của Nhân dân, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng bước thiết lập được một nền tiền tệ, ngân hàng độc lập với những bước đi phù hợp và đầy sáng tạo. Tháng 12/1945, chính quyền cách mạng đã phát hành đồng bạc Việt Nam đầu tiên được Nhân dân hết sức hoan nghênh, hưởng ứng và gọi là 'Tờ giấy bạc Cụ Hồ'. Sự ra đời của đồng tiền cách mạng đã góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh tiền tệ với địch, phát triển sản xuất và lưu thông, ổn định giá cả, đồng thời đảm bảo chi tiêu ngân sách của chính quyền cách mạng.

NGUYỄN ĐỨC ĐỒNG TUV - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị

Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển -Ảnh: P.V

Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển -Ảnh: P.V

Ngày 3/2/1947, theo Sắc lệnh số 14/SL Nha tín dụng sản xuất, tổ chức tín dụng đầu tiên ở nước ta được thành lập, bước đầu giúp vốn cho Nhân dân phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn, làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn Nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể.

Ngày 6/5/1951, tại Hang Bồng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngân hàng của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tại Quảng Trị đầu tháng 7/1951, tại Khe Cau - chiến khu Ba Lòng, chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Quảng Trị được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Từ trong những ngày cuộc đấu tranh giành độc lập bước sang giai đoạn cầm cự, giữa chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa với trăm ngàn gian khó, Ngân hàng Quảng Trị đã cùng với hệ thống ngân hàng trong cả nước góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời thực sự là một bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển nền tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh, xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng ở nước ta.

Ngay từ ngày đầu thành lập, hệ thống ngân hàng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách: nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, tự cung, tự cấp, thị trường nhỏ bé, phân tán và bị chia cắt, chi phối bởi chiến tranh, các khoản chi tiêu ngày một lớn vượt quá thực lực của nền kinh tế đã gây ra mất cân đối gay gắt, ngân sách bội chi lớn, lạm phát gia tăng, giá cả không ổn định... Nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó cho ngành ngân hàng là: “Nắm vững hai việc chính là phát hành giấy bạc và quản lý kho bạc, thực hành chính sách tín dụng để phát triển sản xuất. Phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch”.

Trong điều kiện đó, Ngân hàng Quốc gia đã tổ chức quản lý phát hành tiền và điều hòa lưu thông tiền tệ, đấu tranh tiền tệ với địch và ổn định kinh tế trong thời chiến; quản lý kho bạc nhà nước, góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất thu - chi ngân sách; phát triển tín dụng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa... Tuy mới ra đời, nhưng hoạt động của Ngân hàng Quốc gia đã vượt qua khó khăn, thử thách, khẳng định vị trí và vai trò của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, làm căn cứ vững mạnh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Riêng tỉnh Quảng Trị bị chia cắt làm đôi, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là nơi giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Vĩnh Linh, mảnh đất đầu giới tuyến với trách nhiệm lớn lao là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, của Trị Thiên ruột thịt, cuộc chiến đấu lại bước sang một hình thức mới.

Hoạt động Ngân hàng Quốc gia cũng được chuyển hướng thích hợp, trọng tâm là củng cố hệ thống tiền tệ, giữ cho tiền tệ ổn định, góp phần bình ổn vật giá, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế; phát triển công tác tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực, đẩy mạnh khôi phục và phát triển nông, công, thương nghiệp, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là địa đầu phía Nam của miền Bắc, là nơi chịu nhiều gian khổ nhất. Ngân hàng đã góp phần tạo lập cơ sở hậu cần cho cuộc kháng chiến của tỉnh, chống nạn thiếu đói, phục vụ dân sinh, xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp để đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang, đấu tranh kinh tế với địch.

Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ, hoạt động của ngành Ngân hàng Quảng Trị trong vùng giới tuyến và các vùng mới được giải phóng đã góp phần đắc lực trong cuộc đấu tranh với địch nhằm bảo vệ hậu phương, bảo vệ Nhân dân, phá ách kìm kẹp của địch, mở rộng địa bàn lưu hành tiền của ta, thu hút lực lượng và vật chất trong vùng địch kiểm soát nhằm cung ứng cho nhu cầu kháng chiến và dân sinh.

Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt với những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đại bộ phận cán bộ ngân hàng đã ra sức rèn luyện cả về “hồng”, về “chuyên”, năng động sáng tạo trên mọi lĩnh vực hoạt động, từ hậu phương đến tiền tuyến, kể cả hoạt động tiền tệ trong lòng địch, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các thế hệ cán bộ ngân hàng đã giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tiền tệ, cần, kiệm, liêm chính, trung kiên bất khuất, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đảm bảo cho hoạt động tiền tệ, ngân hàng được thông suốt ngay cả trong chiến tranh khốc liệt cũng như những năm tháng khó khăn của nền kinh tế.

Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 1/7/1976, cuộc hội ngộ đầu tiên của cán bộ nhân viên ngân hàng 3 tỉnh tại Thừa Thiên Huế diễn ra hết sức cảm động. Mỗi cán bộ ngân hàng ý thức rõ trách nhiệm của mình trước tình hình mới, với nhiệm vụ và tình cảm thiêng liêng là phục vụ một vùng quê “Bình Trị Thiên khói lửa” đã từng chung gian khổ, vui buồn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trên địa bàn Quảng Trị, thời gian này hình thành 7 ngân hàng cấp huyện trực thuộc Ngân hàng tỉnh Bình Trị Thiên. Đầu năm 1977, các huyện được sáp nhập và hệ thống ngân hàng trên địa bàn được hình thành và sắp xếp lại, gồm: Ngân hàng Triệu Hải, Ngân hàng Bến Hải, Ngân hàng thị xã Đông Hà và Ngân hàng Hướng Hóa. Hoạt động ngân hàng đã có mặt khắp nơi từ đồng bằng, thị xã đến miền núi, góp phần tạo ra bộ mặt mới của Quảng Trị, xóa dần mọi vết tích của chiến tranh và nền kinh tế phụ thuộc.

Tuy nhiên, vào những năm cuối của thập kỷ 80, hoạt động ngân hàng còn mang nặng tính bao cấp, nguồn vốn hạn hẹp, công tác huy động vốn không được nhận thức đúng, các công cụ tiền tệ làm đòn bẩy cho tăng trưởng tín dụng và kinh tế, vốn cho vay phân tán, công tác thanh toán không dùng tiền mặt bị thu hẹp, lạm phát phi mã, dẫn đến khủng hoảng kinh tế.

Nhận thức được vấn đề trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã tạo được bước đột phá đổi mới tư duy về kinh tế. Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ra đời tháng 3/1988 tạo cơ sở, định hướng rất quan trọng về mặt pháp lý để thực hiện tiến trình đổi mới một cách căn bản hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng được tách thành 2 cấp và chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới.

Tháng 7/1989, cùng sự kiện lập lại tỉnh Quảng Trị, hệ thống Ngân hàng Bình Trị Thiên cũng được chia tách, lập lại theo địa danh mới, hệ thống Ngân hàng Quảng Trị được lập lại.

Tháng 10 năm 1990, với sự ra đời của 2 Pháp lệnh Ngân hàng đánh dấu bước đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động ngân hàng. Hệ thống Ngân hàng Quảng Trị tiếp tục thực hiện tiến trình đổi mới mô hình, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các ngân hàng trên địa bàn, trong đó, phân định rõ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động tiền tệ - tín dụng - ngân hàng trên địa bàn. Sắp xếp lại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng đã không ngừng đổi mới và phục vụ tốt khách hàng. Đổi mới hoạt động của các tổ chức tín dụng gắn liền với kinh tế thị trường, với phương châm “đi vay để cho vay” và tiếp cận với đa thành phần kinh tế, từng bước xóa bỏ bao cấp trong hoạt động tín dụng, thực hiện cơ chế lãi suất dương, tạo tiền đề cần thiết để khai thác mọi nguồn vốn nhằm mở rộng đầu tư đối với mọi thành phần kinh tế, đầu tư thực hiện các chương trình đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, trong từng ngành, thực hiện tốt các chương trình kinh tế của tỉnh như: trồng cây công nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản… tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tháng 10 năm 1998, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, khẳng định cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn Quảng Trị tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước hiện đại hóa ngân hàng phục vụ tốt cho yêu cầu của nền kinh tế địa phương.

Sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước và 34 năm kể từ khi lập lại tỉnh Quảng Trị, hoạt động ngành Ngân hàng Quảng Trị đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng không ngừng được hoàn thiện.

Việc điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước ngày càng hiệu quả. Hệ thống các dịch vụ ngân hàng đa dạng và có chất lượng hơn. Số lượng tổ chức tín dụng trên địa bàn ngày càng tăng, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng và hiện đại.

Từ chỗ chỉ có Chi nhánh Ngân Nhà nước tỉnh làm chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, 2 ngân hàng chuyên doanh là Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp lúc chia tỉnh, đến nay hệ thống Ngân hàng Quảng Trị gồm: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; Ngân hàng Chính sách xã hội; 4 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và 6 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; phòng giao dịch Ngân hàng hợp tác xã và 11 Quỹ tín dụng nhân dân.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn có trên 51 phòng giao dịch, 112 ATM, trong đó có 8 máy CDM, 677 thiết bị chấp nhận thẻ POS và hơn 7.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode được đặt tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi nhất.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã huy động và cho vay một khối lượng vốn tương đối lớn cho nền kinh tế. Ngoài lĩnh vực kinh tế nhà nước, đã cho vay hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giải quyết các vấn đề xã hội.

Đến cuối năm 2022, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt gần 32 ngàn tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay xấp xỉ 51 ngàn tỉ đồng; công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển mạnh; việc thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, góp phần kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường. Nhờ vậy, chất lượng các mặt hoạt động tương đối tốt. Hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm, chăm lo tốt. Các hoạt động về đoàn thể, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được duy trì; công tác an sinh xã hội, “đền ơn đáp nghĩa” được chú trọng … làm động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.

Nhìn lại chặng đường 72 năm xây dựng, trưởng thành, từ hoạt động ở chiến khu Ba Lòng, rồi Ngân hàng khu vực Vĩnh Linh, Ty Ngân tín Quảng Trị, trải qua 13 năm hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên và sau 34 năm lập lại tỉnh, Ngân hàng Quảng Trị đã thu được những kết quả to lớn bằng xương máu, mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng; tự hào đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung đối với sự phát triển của ngành, của tỉnh.

Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/1/2023 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 với nhiệm vụ xuyên suốt là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới lợi ích tổng thể hài hòa của nền kinh tế.

Từ nay đến năm 2025, cùng với toàn ngành, ngành Ngân hàng Quảng Trị thực hiện đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và có tính toàn diện sâu sắc. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ngân hàng Quảng Trị phát huy trí tuệ, bản lĩnh và phẩm chất cách mạng của mình trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; đoàn kết một lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành.

Đây là cách thiết thực nhất để xứng đáng với truyền thống vẻ vang 72 năm xây dựng và trưởng thành ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và Ngân hàng Quảng Trị nói riêng, xây dựng ngành Ngân hàng Quảng Trị ngày càng phát triển theo mục tiêu đã đề ra.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/ngan-hang-quang-tri-72-nam-xay-dung-va-truong-thanh/176718.htm