Ngân hàng và bài toán tăng vốn: Áp lực liệu có được giải tỏa?

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và áp lực từ việc đáp ứng hệ số an toàn vốn nên trong năm nay, nhiều ngân hàng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu mà không chia tiền mặt.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các doanh nghiệp niêm yết nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang bắt đầu bước vào mùa đại hội đồng cổ đông năm 2021. Theo đó, câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt vẫn luôn là vấn đề "nóng" tại các kỳ đại hội, khi lãnh đạo nhà băng buộc phải cân đối giữa nhu cầu tăng vốn và yêu cầu của cổ đông.

Mặt khác, những quy định an toàn vốn theo Basel II buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai.

Đây là "bài toán" mà không phải ngân hàng nào cũng có ngay lời giải đáp. Làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích của cổ đông, khách hàng và ngân hàng đang thực sự khiến lãnh đạo nhiều nhà băng thực sự đau đầu...

Bài 1: Tăng vốn “chiếm sóng” đại hội đồng cổ đông ngân hàng

Trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Động thái này đã phần nào "gỡ rối," giảm áp lực cho các ngân hàng trong việc chia cổ tức để có thể dễ dàng thực hiện kế hoạch tăng vốn, tạo nguồn lực tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã hé lộ kế hoạch kinh doanh 2021 cũng như tỷ lệ cổ tức trình cổ đông trong kỳ đại hội này với mức "khủng."

Nhà băng “rộng tay” chia cổ tức

Theo quan sát, ở thời điểm này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) là ngân hàng chia cổ tức “khủng” nhất trong khối các ngân hàng trong năm nay. Ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Mức này cao hơn so với năm 2020, khi ngân hàng đã quyết định chia cổ phiếu thưởng gần 30%.

Vốn điều lệ VIB dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh. Đây cũng là năm thứ 2 ngân hàng này không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.

Tiếp đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ nguồn trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến, sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 15.221 tỷ đồng.

Đại diện ngân hàng chia sẻ: “Bên cạnh việc luân chuyển nguồn vốn nhằm bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đảm bảo và hỗ trợ tốt cho các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế như Basel II và đang hướng tới Basel III.”

Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) là ngân hàng có mức cổ tức tương đối phù hợp trong các năm qua, đạt trên dưới 20%.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB, cho hay ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%. Hiện vốn điều lệ của OCB xấp xỷ 11.000 tỷ đồng sau khi thực hiện chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng dự kiến trình Đại hội cổ đông kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng.

Nguồn sử dụng để tăng vốn đến từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập các quỹ của năm 2020 và lợi nhuận còn lại chưa chia tính đến thời điểm 31/12/2020.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5%, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng (tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại); Ngân hàng Thương mại cổ phần MSB dự kiến chia cổ tức tối thiểu 15%.

Nhiều cổ đông cũng đang chờ đợi thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Vì trong năm 2020, ngân hàng này chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên đến 65%. Năm qua, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9%, nợ xấu chỉ 0,93%. Trên thị trường, cổ phiếu HDB cũng tăng khá tốt trong hơn 2 tháng đầu năm 2021.

Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng mở màn mùa Đại hội cổ đông của ngành trong năm nay, trong đó cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng.

Ngân hàng này dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 và quý 4 năm nay.

Trong khi đó, dù chưa công bố tài liệu cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới, nhưng nhiều khả năng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ được đưa ra.

Sau khi hoàn thành phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho hai nhà đầu tư ngoại hồi đầu năm 2019, cho tới nay, vốn điều lệ của Vietcombank vẫn đang duy trì ở mức gần 37.100 tỷ đồng.

Mức vốn này đang thấp hơn mức kế hoạch tại phương án cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tương ứng cho năm 2020. Nếu không tăng vốn, Vietcombank có thể sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của Vietcombank cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

VIB là một trong những ngân hàng luôn đi đầu trong việc chia cổ tức ở mức cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), hồi cuối tháng 11/2020, cổ đông VietinBank đã thống nhất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích các quỹ năm 2017, 2018 cũng như phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.

Theo đó, VietinBank dự kiến phát hành 1,07 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 28,78% tổng số cổ phần đang lưu hành. Sau khi tiến hành chia cổ tức, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 47.953 tỷ đồng.

"Nhà giàu cũng phải khóc"

Đối lập với không khí "rộn ràng" trên, nhiều ngân hàng đã công bố không chia cổ tức năm 2020 như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), MSB, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ký thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) hay Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank)…

Nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra là giữ lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu, làm nguồn xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong số những ngân hàng trên có SCB, Sacombank và Eximbank không được chia cổ tức là do Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép.

Điển hình Eximbank là ngân hàng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức do là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng vẫn còn lượng trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước được gia hạn 10 năm chưa được thanh toán hết. Nguồn lợi nhuận giữ lại này sẽ là nguồn để xử lý nợ xấu cho đến khi toàn bộ phần trái phiếu gia hạn được thanh toán.

Cổ tức cũng là vấn đề trăn trở đối với ban lãnh đạo SCB. Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết việc chia cổ tức ngân hàng phải tuân thủ pháp luật và sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước đồng thời mong cổ đông thông cảm với ngân hàng trong giai đoạn này...

Mặc dù chia sẻ với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp nhưng nhiều cổ đông của các ngân hàng vẫn hy vọng năm 2021 sẽ được nhận cổ tức.

Ông Nguyễn Hùng Hải (quận Long Biên-Hà Nội) là người gắn bó với ngân hàng lâu năm chia sẻ: “Là một cổ đông trung thành, tôi rất thông cảm với ngân hàng đã phải gánh nhiều trách nhiệm cho nền kinh tế. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây tôi không nhận được một đồng cổ tức nào... Năm nay, thấy nhiều nhà băng đưa ra mức trả cổ tức khá cao tôi cũng hy vọng nhận được cổ phiều từ ngân hàng mình đang đầu tư.”

Đây cũng là mong mỏi của nhiều nhà đầu tư trước thềm mùa đại hội cổ đông của khối ngân hàng...

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng thương mại lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay thay vì trả cổ phiếu bằng tiền mặt như những năm trước không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức tín dụng cũng phải tuận thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-va-bai-toan-tang-von-ap-luc-lieu-co-duoc-giai-toa/701319.vnp