Ngân hàng và Fintech: Cần hợp tác để cùng thắng

Fintech được nhận định sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, ngân hàng và Fintech không thể là đối thủ cạnh tranh mà đang rất cần những cái 'bắt tay' hợp tác để cả 2 cùng phát triển.

Ngân hàng và Fintech bắt tay hợp tác sẽ tăng hiệu quả phát triển dịch vụ tài chính. Ảnh: ST.

Win-Win

Fintech được ghép từ hai từ financial (tài chính) và technology (công nghệ) nên Fintech là những công ty tham gia cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Đây là xu hướng mới và đang có nhiều sự phát triển tại các nước trên thế giới. Vì thế, Việt Nam đang có nhiều DN chọn hướng khởi nghiệp theo Fintech. Hiện các xu hướng công nghệ tài chính trên thế giới có 2 mục tiêu chính: Thay thế kênh truyền thống bằng cách giảm chi phí, tăng độ tiện dụng, trải nghiệm của khách hàng và khai thác thị trường mới thông qua công nghệ, đặc biệt là đối với phân khúc khách hàng cá nhân.

Vì thế, các ngân hàng không thể làm ngơ trước xu hướng này, nên điều quan trọng nhất các ngân hàng cần làm là hợp tác để cùng thắng (win-win). Theo ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc khối bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, VietinBank đang phát triển các dịch vụ thanh toán qua di động, thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đi đầu về phát triển công nghệ, bắt kịp Cuộc cách mạng 4.0. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu này, ngân hàng luôn mong muốn hợp tác, kết nối với các công ty Fintech để triển khai các dịch vụ hiệu quả, rộng rãi đến người dân.

Về phía công ty Fintech, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến - M_Service (đơn vị chủ quản của ứng dụng ví điện tử MoMo) cho rằng, nhờ những nỗ lực không ngừng của các công ty Fintech, ngân hàng và các tổ chức tài chính, thanh toán di động đã có cái nhìn tích cực hơn, không còn bị coi như một “kẻ phá bĩnh” mà là một đối tác trong việc mang dịch vụ tài chính đến cho người dân với chi phí thấp nhờ công nghệ. “Khi hợp tác với ngân hàng và các công ty tài chính, Công ty xác định mình là “con rạch nhỏ” và ngân hàng là những “dòng sông lớn”, Fintech sẽ giúp mang nước của sông lớn đến khách hàng thông qua hệ thống của mình”, ông Diệp nhận định.

Theo các chuyên gia, các công ty Fintech dù có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, đột phá, mang đến những trải nghiệm mới cho người dùng nhưng lại ít kinh nghiệm trong hoạt động tài chính ngân hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ chưa đầy đủ. Trong khi đó, các ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực và kinh nghiệm bộ máy, kiểm soát tuân thủ và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư lớn. Chính vì thế, sự kết hợp giữa 2 lĩnh vực này sẽ nhanh chóng tạo thành sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ tài chính, ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế.

Tạo bệ đỡ

Một trong những khó khăn của hợp tác ngân hàng với Fintech, theo ông Phùng Duy Khương là nhận thức từ người tiêu dùng; bởi các ứng dụng hiện đại cần thời gian truyền thông, quảng bá để khách hàng yên tâm sử dụng, do thói quen thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam đã tồn tại quá lâu. Nhưng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý, vấn đề này sẽ không còn nan giải.

Hiện nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã ngày càng đa dạng theo hướng an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí xã hội, hội nhập sâu rộng trong khu vực và thế giới. Vì thế, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết đã và đang chỉ đạo việc triển khai thí điểm phát triển một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (trong đó có thanh toán qua điện thoại di động) ở khu vực nông thôn tại Việt Nam nhằm mục tiêu mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức đối tác của ngân hàng thương mại phát huy lợi thế về công nghệ và mạng lưới, phát triển đa dạng và phong phú các dịch vụ thanh toán.

Một số mô hình thanh toán đang được cho phép triển khai thí điểm có ứng dụng trên nền tảng mạng điện thoại di động như: mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; mô hình dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo… Điều này cho thấy, việc hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính, Fintech đã được chú trọng nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Diệp kiến nghị, các cơ quan quản lý cần có ứng xử phù hợp để các công ty Fintech (cụ thể là thanh toán di động) phát triển. Việc này cần sự hợp tác của các bên liên quan: Chính quyền, các tổ chức tài chính và công ty Fintech. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, việc hợp tác giữa ngân hàng và Fintech cần được xây dựng không chỉ dựa trên quyền lợi mà cần đến cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn đầy đủ, giúp hệ thống tài chính tránh rủi ro không cần thiết, góp phần tạo ra “bệ đỡ” thuận lợi để việc hợp tác hiệu quả và thực chất.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-va-fintech-can-hop-tac-de-cung-thang.aspx