Ngân hàng và nỗi lo rủi ro đạo đức

Sau sự cố khiến khách hàng nổi giận, ngân hàng bắt đầu thay đổi. Đảm bảo nâng cấp công nghệ, cấp tập cung cấp các dịch vụ tra cứu là động thái của ngân hàng sau những vụ mất tiền tỷ của khách hàng. Nhiều ngân hàng khác đã mở thêm dịch vụ kiểm tra số dư sổ tiết kiệm cho khách hàng.

Bài 1: Những món tiền lớn “không cánh mà bay”

Bài 2: Muôn hình vạn trạng rủi ro

Bài 3: Lấp lỗ hổng giao dịch

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Hiện nay các NHTM đã rút kinh nghiệm sâu sắc và đều đang triển khai nâng cấp hệ thống corebanking để tăng cường quản trị và giám sát rủi ro hơn, hy vọng góp phần quản lý cả những giao dịch đặc biệt.

Nhân viên chi nhánh NCB Hà Nội hướng dẫn khách hàng làm sổ tiết kiệm. Ảnh: Công Hùng

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng thường xuyên đổi mật khẩu (có độ dài nhiều ký tự, gồm chữ thường, in hoa, số và ký hiệu). Tất nhiên, bảo mật bằng mật khẩu luôn là phương thức cũ và yếu nhất. Với các máy tính siêu mạnh như ngày nay, tội phạm mạng có thể cho chạy thuật toán để tìm được "chìa khóa". Vì thế, giải pháp tốt nhất vẫn là áp dụng những biện pháp bổ sung cũng như kết hợp nhiều phương thức bảo mật. Các ngân hàng cũng cho hay, đã đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống ngân hàng lõi vì công nghệ thay đổi rất nhanh. “Chi phí nâng cấp thiết bị, phần mềm, hàng quý phải thuê công ty tư vấn kiểm tra có lỗ hổng bảo mật hay không. Chỉ một đợt nâng cấp đã ngốn nhiều tỷ đồng” - lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết. Một số ngân hàng lớn đã thay đổi core banking của mình, có ngân hàng đã đầu tư hàng triệu USD như TPBank, VietinBank…

Bên cạnh việc nâng cấp đầu tư cho hệ thống CNTT, các ngân hàng cũng cấp tập cung cấp dịch vụ tra cứu tiền gửi, như Sacombank, Tiên Phong, Maritime Bank… Sau vụ hàng loạt sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng “bốc hơi” tại một chi nhánh ở Hải Phòng hồi năm ngoái, OceanBank cũng có động thái cho phép người gửi tiền tra cứu sổ tiết kiệm từ xa.

"NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt, tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng." - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Người gửi tiền chỉ cần đăng ký thủ tục một lần tại bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng hoặc đăng ký trực tuyến trên trang web của ngân hàng, rồi tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của các sổ tiết kiệm.
Quan trọng là ở con người
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, NHNN Việt Nam đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và đa số các tổ chức tín dụng đều tuân thủ việc đảm bảo an toàn tiền tệ trong hoạt động gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, vẫn có một vài sự việc hy hữu xảy ra. Bình luận về động thái của các ngân hàng, đại diện NHNN cho rằng, ngân hàng phải chủ động, không chờ khách đăng ký.
Theo LS Bùi Quang Tín, các ngân hàng "mất bò mới lo làm chuồng", dịch vụ cho phép khách hàng tra cứu số dư tài khoản đã được các tất cả ngân hàng áp dụng từ rất lâu thông qua Internet Banking hay Mobile Banking. Tra cứu số dư sổ tiết kiệm chỉ là một dịch vụ phái sinh của các dịch vụ trước đó.

"Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Khi mất niềm tin, khách hàng không gửi tiền và đối tác không giao dịch thì không còn hoạt động ngân hàng đúng nghĩa. Đạo đức nghề nghiệp là tiêu chí quan trọng khi đánh giá KPI (hệ thống các chỉ số đánh giá kết quả công việc) của từng nhân viên, cũng như đảm bảo cho uy tín và hiệu quả hoạt động của mỗi ngân hàng và của toàn hệ thống…" - TS Nguyễn Minh Phong

Theo các chuyên gia, dù bằng nhiều loại hình thức nhưng quan trọng là ở con người. Các ông chủ nhà băng quá coi nhẹ vai trò của giao dịch viên. “Quy trình đầy đủ và chặt chẽ, nhưng các hành vi phạm tội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn xảy ra” - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Như trường hợp TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt 2 cán bộ của một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội về tội “tham ô tài sản” bằng cách lập chứng từ khống để tất toán 10 sổ tiết kiệm của khách hàng. Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ cũng khởi tố bị can đối với nguyên 4 cán bộ của VDB (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) khu vực Cần Thơ - Hậu Giang có liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH An Khang...
Tựu chung, để giảm thiểu rủi ro khi giao dịch với ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, bản thân khách hàng phải có ý thức bảo mật thông tin cá nhân, tỉnh táo khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền, tài sản của mình. Đồng thời, không nên tạo cơ hội cho rủi ro xảy ra khi tự đề xuất hay chấp nhận giao dịch ngoại lệ. Về phía nhân viên ngân hàng, với những gì đã và đang diễn ra, giải pháp từ bên trong chính là làm sao để khắc phục được rủi ro đạo đức từ ngay chính cán bộ của ngân hàng. “Các vụ mất tiền vừa qua đều do con người. Công nghệ có thần thánh đến mấy mà con người có lòng tham thì họ vẫn cứ lừa được”- chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét.

(còn nữa)

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ngan-hang-va-noi-lo-rui-ro-dao-duc-312414.html