Ngân Khánh, Kim Tuyến 'đọ sức hút' khi cùng đóng vai cô Ba Trà - Đệ nhất Hoa khôi Sài Gòn xưa!

'Mỹ nhân Sài Thành' và 'Mộng phù hoa' đều xoay quanh cô gái lấy cảm hứng từ nhân vật có thật ngoài đời - cô Ba Trà. Tuy nhiên, ở mỗi dự án phim, người đẹp nức tiếng xứ Nam Kỳ khi ấy lại được làm mới, hiện lên với số phận, tính cách khác nha

Thời gian gần đây, phim Việt Nam ưa chuộng xu hướng retro, lấy đề tài xưa: từ các tác phẩm điện ảnh như Tháng năm rực rỡ, Cô Ba Sài Gòn cho đến những phim trên màn ảnh nhỏ như Mộng phù hoa, Mỹ nhân Sài Thành. Đặc biệt, hai bộ phim gần đây là Mỹ nhân Sài Thành Mộng phù hoađều xoay quanh cô gái lấy cảm hứng từ nhân vật có thật ngoài đời – cô Ba Trà. Tuy nhiên, ở mỗi dự án phim, người đẹp nức tiếng xứ Nam Kỳ khi ấy lại được làm mới, hiện lên với số phận, tính cách khác nhau.

Ba người đẹp trong phim “Mỹ nhân Sài Thành”.

Giai thoại về cô Ba Trà – mỹ nhân nức tiếng Sài Thành xưa

Cô Ba Trà có tên thật là Trần Ngọc Trà, thường được gọi là cô Ba Sài Gòn, từng là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cuộc đời và nhan sắc của bà đã trở thành giai thoại gắn liền với mảnh đất Sài Gòn. Tên tiếng Pháp do cô Ba Trà tự đặt sau một lần xem chiếu bóng là Yvette Trà, vì nhận thấy nhân vật cô đào Yvette rất đẹp. Tuy sở hữu vẻ đẹp nức tiếng, số phận bà Trần Ngọc Trà gặp lắm truân chuyên, là “Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa” nhưng cũng “Hồng nhan bạc phận”.

Trần Ngọc Trà gặp nhiều biến cố từ khi còn nhỏ, lên 5 tuổi, cha cô tức giận thổ huyết mà mất chỉ vì nghe phong phanh mẹ cô – người phụ nữ có sắc đẹp – ngoại tình. Do quá đau buồn, bà nội Ba Trà cũng tiều tụy rồi chết, gia đình nội không nhận hai mẹ con Ngọc Trà, đẩy cô đến cuộc sống lang thang, nương tựa nhà ngoại, bị mẹ trút mọi tủi hờn, coi là “quân đoản hậu”.

Không những thế, mẹ Ba Trà còn coi con gái là công cụ kiếm tiền, ép cô lấy chồng Tây từ năm 14 tuổi. Lúc này, Trần Ngọc Trà đã trở nên chai đá, không biết rung động, thật lòng yêu thương ai. Một năm sau, Ba Trà trở về sống với mẹ do chồng người Pháp mãn hạn phải về xứ, khi ấy, nhan sắc mặn mà của cô khiến bà con lối xóm trầm trồ khen ngợi.

Ngân Khánh trong vai diễn lấy cảm hứng từ cô Ba Sài Gòn.

Nhờ nhan sắc của Ba Trà, cô được vô số công tử, đại gia theo đuổi, người đẹp cặp kè với những người thuộc giới thượng gia, các đại điền chủ, đại công tử bậc nhất Nam Kỳ như con trai quan Lê Công Sủng, công tử Trần Trinh Huy, công tử Bích. Học giả Vương Hồng Sển, người từng si mê vẻ đẹp Ba Trà từng tiết trong Sài Gòn tả pí lù: “…những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp… Cô Ba Trà, đệ nhất Huê khôi ở Nam Kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.

Thế nhưng, theo năm tháng, nhan sắc cô Ba Trà tàn phai, những công tử, đại gia từng theo đuổi dần lảng tránh, “Đệ nhất hoa khôi Sài Gòn” xưa không còn tiền ăn chơi, cờ bạc, cô trở nên tiều tụy. Không có tài liệu nói về năm mất của bà, nhưng một số thông tin tin cho rằng Trần Ngọc Trà qua đời trong nghèo khổ, cô đơn ở gầm cầu thang chung cư tại Sài Gòn.

Cô Ba Trang trong “Mộng phù hoa” và Thanh Trà ở “Mỹ nhân Sài Thành” – nhân vật lấy cảm hứng từ cô Ba Trà!

Mộng phù hoalà bộ phim truyền hình xoay quanh nhân vật Ba Trang do nữ diễn viên Kim Tuyến thể hiện. Trong tác phẩm, người đẹp đã tái hiện một mỹ nhân đệ nhất Nam Kỳ khi xưa với nhan sắc nổi bật, mặn mà và đậm vẻ đẹp Á Đông. Thế nhưng, phim Mộng phù hoa cũng mạnh dạn lược bỏ, đan cài nhiều tình tiết mới, thay đổi góc nhìn về bà Trần Ngọc Trà, từ đó tạo ra ý nghĩa nhân văn, phù hợp tư tưởng hiện đại.

Không phải là người đẹp có tuổi thơ bất hạnh đến mức chai lỳ, không biết yêu thương ai, so với bà Trần Ngọc Trà, Ba Trang bớt đáng thương hơn khi có một thanh mai trúc mã là Mân (Nhan Phúc Vinh). Mối tình đẹp nhưng đầy tiếc nuối, day dứt này khiến nhân vật hiện lên có tình hơn. Không những thế, trong phim, Ba Trang cũng như mẹ cô không là người cạn tình, chủ động sa đọa như đời thực, mà cả hai mẹ con luôn ở tình thế bị số phận đưa đẩy, người ngoài lừa gạt, do đó, Ba Trang và mẹ được “tẩy trắng” tội phụ bạc, ham vinh hoa phú quý.

Tuy đã lồng ghép không ít tình tiết nhân văn và chi tiết thể hiện cảm xúc nhân vật, Mộng phù hoa vẫn tái hiện một Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa với bao công tử, đại gia theo đuổi, nhưng có số phận hồng nhan lênh đênh, lắm truân chuyên. Giai thoại về Hắc – Bạch công tử đam mê nhan sắc Trần Ngọc Trà được ẩn vào hai nhân vật là Tư Phúc (Hoàng Anh) và Ba Huy (Khôi Trần) ở Mộng phù hoa.

Trong khi đó, ở Mỹ nhân Sài Thành, nhân vật lấy cảm hứng từ cô Ba Trà là người đẹp Thanh Trà (Ngân Khánh thủ vai) – Á hậu 2 cuộc thi sắc đẹp đầu tiên tại Sài Gòn. Điều làm nên sự độc đáo, hấp dẫn cho dự án phim của đạo diễn Lê Cung Bắc là việc để Thanh Trà xuất hiện cùng hai giai nhân khác, cũng dựa trên cuộc đời hai mỹ nhân có thật nổi tiếng xứ Sài Thành – Hồng Trà (Khánh My), Bạch Trà (Dương Mỹ Linh).

Tuổi thơ của Thanh Trà không được khắc họa rõ nét trong Mỹ nhân Sài Thành, tuy nhiên, qua lời nhân vật kể, Thanh Trà sinh ra ở gia đình không mấy khá giả, cha mất sớm, mẹ chỉ buôn bán lặt vặt nhưng ham mê cờ bạc. Luôn khuyên con đồng ý nhận lời đại gia giàu có, mẹ Thanh Trà không cạn tình đến nỗi ép con lấy nhà giàu. Bà vẫn ở bên, săn sóc và quan tâm con gái, những chi tiết giữa hai mẹ con Thanh Trà thể hiện tình mẫu tử sâu sắc.

Thanh Trà không có mối tình thanh mai trúc mã như Ba Trang ở Mộng phù hoa, nhưng sau khi đăng quang Á hậu 2, người đẹp được ông Lý Tắc săn đón, con trai đại gia để ý. Ngoài ra, cô nhận ngôi biệt thự khang trang và cuộc sống vương giả, được ông Lý Tắc sẵn sàng “vung tiền” chiều chuộng. Chính vì thế, phim Mỹ nhân Sài Thành hứa hẹn cuộc đời “một bước lên tiên” chẳng kém giai nhân Trần Ngọc Trà của Thanh Trà trong phim.

Bên cạnh đó, dù thích nhảy đầm, ham vui, nhưng Thanh Trà không chủ động rơi vào lối sống sa đọa, người đẹp khá thông minh, cương quyết khi nhận ra mưu đồ của ông Lý Tắc. Nhân vật cũng tìm cách kiếm tiền bằng việc tận dụng ngôi biệt thử để mở nơi nhảy đầm, tuy bị ông Lý Tắc hãm hại, ngăn cản.

Chiều dài lịch sử và bề dày truyền thống luôn tạo giá trị cho mỗi quốc gia, gợi lên cho người xem niềm tự hào sâu thẳm. Đồng thời, việc gợi nhắc quá khứ, kể về các câu chuyện thật, con người thật làm khán giả không khỏi tò mò, thích thú. Riêng đối với nhân vật Thanh Trà ở Mỹ nhân Sài Thành, người hâm mộ kì vọng cuộc đời người đẹp sẽ bớt tiêu cực, bi thương như mỹ nhân Trần Ngọc Trà, khi phim lồng ghép yếu tố Cách mạng và có những con người giác ngộ Cách mạng với lý tưởng sống cao đẹp.

Phương Thảo

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/ngan-khanh-kim-tuyen-do-suc-hut-khi-cung-dong-vai-co-ba-tra-de-nhat-hoa-khoi-sai-gon-xua-2834125.html