Ngăn lại việc bớt xén trong trường học

Dâm ô, bạo hành, và giờ là ăn bớt. Một vài thầy giáo, người quản lý trường học trong những vụ việc được dư luận gọi là 'mất mặt' ấy đang làm cho bức tranh giáo dục trở nên xám màu.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện xảy ra cách đây ít ngày ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai như giọt nước làm tràn ly. Những học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương học tại đây đã bị bớt xén khẩu phần ăn đến mức khó có thể bớt xén thêm. Hình ảnh suất ăn của học sinh xuất hiện trên báo chí sau khi phóng viên bất ngờ có mặt tại bếp ăn nhà trường làm người xem vô cùng xót xa.

Từ vụ việc này, người ta lần lượt lục tìm những thông tin cũ, hình ảnh cũ liên quan đến việc bớt xén khẩu phần ăn của học sinh. Thì ra câu chuyện bớt xén, thậm chí còn có thể gọi là ăn chặn phần cơm của học sinh có ở rất nhiều nơi. Có thể kể ra rất nhiều trường học, từ vùng khó khăn đến những nơi văn minh, tiến bộ nhất như thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều xảy ra tình trạng này. Bớt xén lương thực, thực phẩm nơi bếp ăn nhà trường như một bạo bệnh.

Ngay tại Thanh Hóa, tình trạng học sinh bị xâm phạm suất ăn cũng từng xảy ra. Năm 2019, theo kết luận của UBND TP Thanh Hóa cho thấy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thắng đã chỉ đạo giáo viên cắt bớt 1.746 suất ăn của trẻ để lấy tiền... tổ chức sự kiện. Trước nữa, tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) cũng xảy ra nghi vấn có việc không minh bạch ở nhà bếp...

Không chỉ học sinh bị bớt xén, những vận động viên thể thao trẻ, năng khiếu cũng bị người thầy của mình là huấn luyện viên bớt khẩu phần ăn. Tình trạng này xảy ra ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cách đây chưa lâu, từ đó người ta mới giật mình lục lại một số bộ môn khác và cơ bản đều có dấu hiệu nghi vấn.

Suất ăn của học sinh dù từ tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ hay đóng góp của phụ huynh học sinh đều là sự quan tâm, chăm lo cho tương lai đất nước. Những đứa trẻ cần được đảm bảo dưỡng chất ở mức độ có thể chấp nhận được mới đủ khả năng học tập. Cắt suất ăn của trẻ không chỉ là cắt khẩu phần dinh dưỡng, mà chính là làm cản trở việc học tập. Những việc như thế cần phải được xử lý nghiêm, không chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật viên chức. Chỉ có những bản án nghiêm khắc mới tăng tính răn đe, người có quyền mới không còn nghĩ đến chuyện bớt xén, không dám vi phạm.

Liên quan đến việc minh bạch khẩu phần ăn của trẻ, sau sự việc xảy ra ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Hoàng Thu Phố 1, một số địa phương và trường học đã công khai hóa công tác nhà bếp bằng việc lắp đặt camera. Đây là việc cần, nhưng cần hơn chính là sự tham gia của con người vào quá trình giám sát từ tiện ích mà công nghệ cung cấp. Nghĩa là chính những giáo viên, nhân viên trường học cũng phải giám sát, quan sát các khâu nhà bếp xem suất ăn của học sinh mình như thế nào. Rồi chính phụ huynh, họ cũng phải thường xuyên quan sát xem con mình ăn ngủ bán trú tại trường ra sao, có vấn đề bất thường thì cần phải lên tiếng trao đổi, chứ không phải thấy bất thường nhưng ngại va chạm rồi im lặng. Còn nữa, những cơ quan quản lý giáo dục, không chỉ quản lý về chuyên môn, thi đua, nền nếp, mà còn phải quản lý nghiêm các bữa ăn bán trú, bởi đó là một phần của trường học. Việc kiểm tra cần khách quan, đột xuất, chứ không phải theo kế hoạch, chưa đến đã thông báo.

Chỉ có làm nghiêm mới hy vọng lập lại trật tự nơi bếp ăn trường học, phát huy được tiện ích mà công nghệ đem lại. Còn nếu như vẫn thói quen cũ, thì có lắp bao nhiêu camera đi nữa, thì cũng chỉ là những “chiếc mắt mù” mà thôi.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ngan-lai-viec-bot-xen-trong-truong-hoc/202536.htm