Ngân lên khúc tráng ca đỏ - Phú Riềng

Ngày này cách đây tròn 90 năm (3-2-1930), dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phú Riềng, 5.000 công nhân cao- su cùng nhân dân Bình Phước đã tiến hành bãi công, đấu tranh đòi miễn sưu thuế, chống đánh đập, đòi giới chủ phải trả lương… Cuộc đấu tranh đã tạo nên một Phú Riềng đỏ có sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động miền Đông Nam Bộ. Kể từ đó, Phú Riềng đỏ không chỉ là tài sản tinh thần của ngành cao-su và Đảng bộ tỉnh Bình Phước, mà trở thành nguồn động lực của cả nước trong mọi giai đoạn cách mạng về tinh thần đoàn kết đi đến thắng lợi, dưới ngọn cờ của Đảng.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cao-su Bình Long.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cao-su Bình Long.

Nhân lên giá trị truyền thống

Dẫn chúng tôi thăm Khu di tích Phú Riềng đỏ bao quanh bởi bạt ngàn cao-su ở làng 3, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, đồng chí Đặng Văn Lệ, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần cao-su Đồng Phú đọc bài thơ anh mới sáng tác. Câu chuyện lịch sử ngành cao-su được kể bằng thơ như gói hết tâm tư, tình cảm của người đã coi rừng cây và dòng nhựa trắng là lẽ sống đời mình. Khu di tích là nơi ghi nhớ sự kiện đêm 28-10-1929, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ngô Gia Tự, chi bộ cộng sản đầu tiên trong vùng được thành lập gồm sáu đảng viên, với tên gọi Chi bộ Phú Riềng. Chỉ sau ba tháng, Chi bộ đã lãnh đạo phong trào công nhân, làm nên Phú Riềng đỏ anh hùng.

Tự hào “đứng chân” trên mảnh đất này, hơn 30 năm qua, Công ty cao-su Đồng Phú đã dần hồi sinh vùng đất khắc nghiệt đầy bom mìn sau chiến tranh. Những cánh rừng cao-su dần phủ xanh hơn 9.000 ha, từ huyện Phú Giáo (Bình Dương) đến Đồng Phú, Đồng Xoài (Bình Phước), với nhiệm vụ trọng tâm là trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mủ cao-su. Trong điều kiện khó khăn khi giá mủ cao-su xuống thấp, Công ty đã chủ động mở rộng liên doanh, liên kết góp vốn với các đơn vị trong và ngoài ngành để phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội. Tạo ra sản phẩm từ cao-su thiên nhiên như đệm, gối cao-su là hướng đi mới, góp phần bảo đảm chăm lo đời sống cho gần 2.600 lao động, với mức thu nhập bình quân năm 2019 đạt gần 8,8 triệu đồng/người/tháng. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh 5 năm qua đều tăng dần so với năm trước, và vượt kế hoạch đề ra.

Một ngày cuối năm 2019, khi tới Công ty TNHH một thành viên Cao-su Phú Riềng, chúng tôi được hòa cùng không khí hân hoan trong lễ mừng công hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2019, trước 21 ngày. Những hoạt cảnh mang ý nghĩa lịch sử về truyền thống của Đảng, niềm tự hào của ngành được công nhân thể hiện như lan tỏa ý thức cách mạng trong mỗi thành viên Công ty Cao-su Phú Riềng, để tiếp bước trên con đường mới. Nhiều tấm gương lao động tiêu biểu xuất sắc đã được vinh danh tại buổi lễ. Theo đồng chí Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Phú Riềng đỏ (Công ty Cao-su Phú Riềng), truyền thống luôn được ôn lại trong mọi sự kiện quan trọng của Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể và các đơn vị thành viên của Công ty Cao-su Phú Riềng. Đó thật sự là biểu tượng có chiều sâu về tinh thần đoàn kết, ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn, tạo động lực cho các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, nâng cao tay nghề. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, cạnh tranh lao động, các sáng kiến lại được khơi dậy. Nhiều sáng kiến có giá trị ứng dụng mang lại hiệu quả cao như cạo mủ cao-su không sử dụng đèn, không gia tăng cường độ, để giữ ổn định cho vườn cây. Nhờ đó, chất lượng mủ nguyên liệu luôn ở mức cao. Trong điều kiện khó khăn về thanh lý vườn cây, nông trường góp phần cùng công ty hoàn thành kế hoạch tái canh với tổng diện tích 733 ha, chất lượng vườn cây tốt, tỷ lệ sống và toàn bộ sinh trưởng ba tầng lá, trong đó cây có bốn, năm tầng lá đạt hơn 80%. Cùng trong đợt thi đua kỷ niệm 90 năm Ngày Chi bộ cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam Bộ ra đời trong lòng Cao-su Phú Riềng và cũng là dịp 90 năm Ngày truyền thống ngành cao-su Việt Nam, năm 2019, mọi chỉ tiêu của Công ty Cao-su Phú Riềng đều vượt kế hoạch, với sản lượng 25.200 tấn, đạt hơn 110% kế hoạch tập đoàn giao; nộp ngân sách khoảng 90 tỷ đồng, đạt 103%.

Vững vàng vai trò nòng cốt

Buổi sinh hoạt Đảng cuối cùng trong năm 2019 của Chi bộ 1, Đảng bộ Nông trường An Lộc (Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty cao-su Đồng Nai) có sự tham dự của Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Nguyễn Thế Hựu. Việc cấp ủy dự họp với cơ sở được duy trì thường xuyên, nghiêm túc tại Đảng bộ Nông trường. Đúng ngày 3 hằng tháng họp ban chấp hành, ngày 5 họp chi bộ, có đại diện thường vụ dự họp đều đặn, vừa thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với cơ sở, vừa lắng nghe, giải quyết vướng mắc từ chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm đảng viên. Chính vì thế, nội dung nghị quyết của cấp ủy rất sát thực tế, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu sản lượng; chăm sóc vườn cây; công tác bảo vệ và phục vụ sản xuất, quản lý lao động và đời sống; phát triển đảng viên… Theo đồng chí Lê Văn Cường, Thường vụ Đảng ủy, thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty cao-su Đồng Nai, trước khó khăn hiện nay của ngành cao-su nói chung là giá mủ cao-su xuống thấp, sự dịch chuyển lao động sang các ngành công nghiệp khác, vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể lại được phát huy nhằm làm tốt công tác tư tưởng, bồi dưỡng chăm lo đời sống người lao động, góp phần ổn định sản xuất. Khi tổ chức đảng khẳng định rõ vai trò của mình sẽ thu hút sự quan tâm, phấn đấu của người lao động. Có người 40 đến 50 tuổi vẫn phấn đấu vào Đảng. Với họ, vào Đảng không vì mục tiêu quyền lợi chính trị mà là sự nêu gương cho con cháu. Công tác tư tưởng vững vàng góp phần giữ vững chỉ tiêu phát triển Đảng hằng năm. Từ một chi bộ khi mới thành lập, đến nay phát triển thành Đảng bộ với 23 tổ chức cơ sở đảng, gần 2.000 đảng viên. Trong đó, hai chi bộ hoạt động tại Lào và Cam-pu-chia. Hai chi bộ sinh hoạt tại nước ngoài thường xuyên nhận được sự quan tâm của cấp ủy. Sáu tháng một lần, Đảng ủy cử đại diện sang sinh hoạt, làm việc và kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng ta và pháp luật nước sở tại.

Song hành quá trình phát triển doanh nghiệp là sự thay đổi mô hình tổ chức, từ 100% vốn nhà nước chuyển đổi sang cổ phần. Tổ chức đảng cũng thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động để phù hợp tình hình mới. Tại các tổ chức đảng trong đơn vị cổ phần, các cấp ủy luôn bám sát nghị quyết của hội đồng cổ đông, trên cơ sở những mục tiêu sản xuất, kinh doanh các cổ đông đã tham gia ý kiến, thống nhất đưa vào nghị quyết cấp ủy để chỉ đạo phối hợp hoàn thành. Trong mỗi mục tiêu, cán bộ, đảng viên đều gương mẫu đi đầu, làm trước. Các phong trào thi đua từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên được thực hiện với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo” đã tạo nên nhiều mô hình hay, điển hình tiêu biểu. Như tại Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên Cao-su Bình Long, gần 700 đảng viên (trong tổng số hơn 4.000 lao động) luôn là nòng cốt cho nhiều phong trào thi đua, như thi đua lao động giỏi; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; thi đua nước rút ba tháng cuối năm... Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật các cấp, Công ty Cao-su Bình Long đã có sáu đề tài đoạt giải thưởng Cao-su Việt Nam; giải ba “Ý tưởng sáng tạo năm 2019” của tập đoàn; giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật thị xã Bình Long và Hội thi của tỉnh Bình Phước... Từ phong trào, phát hiện những nhân tố mới, tiêu biểu, cử tham gia học lớp cảm tình Đảng. Năm 2019, các đoàn thể đã giới thiệu 96 quần chúng ưu tú và kết nạp 40 quần chúng ưu tú vào Đảng. Đảng viên trẻ Phạm Thường Duy, công nhân tổ 3, Nông trường Đồng Nơ, một trong những “Bàn tay vàng” của Công ty Cao-su Bình Long chia sẻ, động lực để anh yêu và nguyện gắn bó với nghề là những tấm gương đi trước, là niềm tự hào về truyền thống ngành cao-su. Từ khi trở thành đảng viên, anh càng thấy rõ trách nhiệm gương mẫu trong công việc, nâng cao kỹ thuật, tay nghề để tăng sản lượng, chất lượng khai thác mủ cao-su; tạo động lực cho quần chúng ưu tú là công nhân phấn đấu vào Đảng.

Trọn nghĩa, vẹn tình

90 năm qua, kể từ khi Chi bộ cộng sản đầu tiên của phong trào công nhân cao-su ra đời trong cam go, khốc liệt, qua hành trình nhiều thăng trầm, có công sức, trí tuệ của bao lớp cán bộ đảng viên, công nhân, ngành cao-su đã từng bước phát triển. Ngành cao-su Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng trong xu thế hội nhập và có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn cao-su quốc tế. Cao-su gắn với đất, với rừng, với người dân nơi cao-su bén rễ. Con em công nhân cao-su cũng là con em địa phương, bởi thế ngành cao-su luôn song hành trách nhiệm góp phần ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng và chung tay xây dựng nông thôn mới. Không chỉ phát triển trong nước, ngành cao-su Việt Nam mở rộng không gian và phạm vi qua việc đầu tư phát triển cao-su sang nước bạn Lào và Cam-pu-chia theo chương trình thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia.

Tại Bình Phước, nơi được coi là “thủ phủ” của cây cao-su, với hơn 220 nghìn ha, chiếm 22% diện tích cao-su cả nước, ngoài lợi ích kinh tế đóng góp khoảng 30 đến 40% nguồn thu ngân sách địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, cây cao-su còn góp phần chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt, phủ xanh đất trống đồi trọc. Các doanh nghiệp cao-su nhà nước trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 24 nghìn lao động. Tại các huyện Phú Riềng, Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh… đều hiện diện những công trình trường học, trạm y tế, con đường, ngôi nhà tình nghĩa, có sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và ngành cao-su. Đáng chú ý, tại vùng biên giới, khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, ngành cao-su thường xuyên tổ chức lực lượng tự vệ, phối hợp chính quyền thực hiện song song phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh. Sự phối hợp đó giúp cấp ủy, chính quyền chủ động ngăn chặn những hoạt động gây rối, tập hợp và lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để kích động chống phá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ổn định trật tự xã hội địa bàn.

Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn Cao-su Việt Nam, người luôn tự hào về truyền thống ba đời gắn bó với ngành, cũng là tác giả của nhiều bài thơ và ca khúc ca ngợi ngành cao-su Việt Nam, đã chia sẻ những trăn trở về nghề và những khó khăn trước mắt. Anh cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đã có 13 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn, năm thứ hai theo mô hình công ty cổ phần. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để vươn cao, vươn xa hơn và bứt phá, trên quan điểm phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam xác định tiếp tục nỗ lực tái cơ cấu, kiên trì ba đột phá là phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, trách nhiệm cộng đồng và xã hội, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cao-su Việt Nam tiến nhanh, bền vững và sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: TIỂU PHƯƠNG, NHẤT SƠN và TỪ ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43118402-ngan-len-khuc-trang-ca-do-phu-rieng.html