Ngẩn ngơ Săm Pun

Chiếc xe ô tô khách hai mươi bốn chỗ lao lên phía trước. Hôm nay, trời Mèo Vạc đẹp, đẹp thật! Ở vùng Cao nguyên đá mùa này rất hiếm khi mà nắng đẹp thế này. Sông Nho Quế nước xanh trong thăm thẳm, nhịp cầu cũ Tràng Hương như một hoài niệm đang soi mình vào dòng sông.

...Chúng tôi vượt qua cầu Tràng Hương, vượt hết ba mươi bảy vòng cua lớn nhỏ như bám vào sườn dốc mà đi lên. Anh Hoàng Lực Ân gọi điện thoại hỏi về độ cao của Xín Cái, của Đồn BP Săn Pun mới biết trên đỉnh núi này có độ cao gần hai nghìn mét so với mực nước biển. Như vậy đỉnh Săn Pun, nơi đồn BP đóng chân có độ cao cao hơn Mà Pí Lèng những gần năm trăm mét.

Đoàn chúng tôi vào đồn được anh Hoàng Quốc Doanh, Phó Đồn trưởng tiếp đón. Tiếng cười nở bung ra, những câu chuyện về "đồn trạm hữu nghị, biên giới bình yên" cũng được bung ra. Anh Doanh bảo: Tất cả là có tai mắt của đồng bào, có tình hữu nghị thân thiện, chứ mình lính Biên phòng và dân quân biên giới thì làm không xuể đâu. Lính Biên phòng, người canh biên giới, canh cửa ngõ của Tổ quốc toàn những việc không tên...

Rồi anh Dương Hồng Phong, Đồn trưởng cười: Có nhiều khi hai bên trao trả người vi phạm cho nhau cả tuần, anh ạ. Thôi thì đi thăm thân, đi làm ăn không phép giữa hai bên, rồi mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em... Và trong đó có cả những người khách du lịch đi lạc. Bởi thế, nên chúng tôi không thể thiếu tai mắt ở cơ sở, chính những tai mắt ấy, sự tin cẩn ấy mới làm lên một biên cương vững chắc cho đất nước.

Tôi vác máy lang thang ra cổng đồn, chao ơi, nắng Săm Pun thật đẹp. Dãy đào phai đang chờ mùa hoa mới, dãy lê đang nhú nụ trắng tinh và hàng trắc bách diệp như một hàng tiêu binh thẳng tắp ngả bóng xuống sân đồn, khiến lòng tôi rạo rực, đâu đó đang chuẩn bị vào xuân.

Đang vui chân trong cái nắng Săm Pun đến mê hồn, tôi bước lên Đài tưởng niệm, tấm bia ghi tên hai lăm chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Thoáng một chút buồn, một chút nhớ nhung khi mùa xuân, mùa hoa đào, mùa hoa lê sắp nở.

Anh Dương Hồng Phong cùng các chiến sĩ lên xe đưa chúng tôi ra cột mốc 465. Con đường tuần tra hướng ra biên giới thật đẹp, thật lộng lẫy dưới nắng xuân đến thanh bình. Bên kia là nước bạn, cột mốc 465 đứng giữa hai con đường của hai nước, uốn lượn trên đỉnh núi cheo leo. Dẫu sao tôi vẫn nghĩ đến hai lăm cái tên, hai lăm liệt sĩ ở Đài tưởng niệm mãi dưới kia.

Bây giờ, các anh đang nằm ở đâu, rải rác trên những đỉnh đồi, đỉnh đá quê hương này. Dưới chân các anh, dưới nơi các anh nằm lại là mùa hoa, mùa quả, mùa ong đang trĩu ngọt. Nơi các anh nằm lại là nơi ông cha ta đã bao đời đổi máu xương gìn giữ để làm lên một biên giới, một đồn, trạm hữu nghị để cho biên giới bình yên...

Chắc anh Phong đoán được ý nghĩ của tôi, quay lại bảo: Bao năm qua, lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc đã cùng mình xây dựng nên những "đồn trạm hữu nghị, biên giới bình yên" này đấy. Nhưng không vì thế mà các chiến sĩ và đồng bào trên đỉnh Săm Pun này mất cảnh giác. Chỉ cần có một nguồn tin nhảm nhí, một luận điệu xuyên tạc vô căn cứ là đưa đến những quan điểm quốc gia khác nhau. Bởi vậy, các chiến sĩ ta ở đây không những sinh hoạt trong kỷ luật quân đội, mà còn sinh hoạt đầy trách nhiệm để nêu cao tinh thần "quốc tế, hay quốc thể" nữa anh ạ.

Rồi anh cũng bảo, cứ cột mốc "số chẵn" là do ta làm, còn cột mốc "số lẻ" là do Trung Quốc làm. Nhìn vào con số ghi trên cột mốc, chúng ta có thể biết ngay là mốc do ta hay quốc gia nào tạo dựng. Đồng bào trên địa bàn đa số là người Mông, Giấy, Lô Lô, họ rất thật thà và rất yêu nước. Đồn BP Săm Pun được đảm nhận bảo vệ từ Sơn Vĩ qua Xín Cái về tới Thượng Phùng.

Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống Mỏ Phàng, một xóm sát biên giới, có hình hài của một thị tứ nơi cửa ngõ làm cho tôi nao nao nhớ một thời cách đây không lâu, Mỏ Phàng còn là xóm nhỏ lụp xụp, thiếu nước, thiếu chăn ấm mùa đông, thiếu quần áo mặc. Bây giờ đã rỉnh rang cửa hàng, cửa hiệu, bò ăn vàng đồi, ngô cũng chín vàng đồi.

Chảo Thị Mai, một cán bộ của xã Xín Cái ghé vào tai tôi: Bây giờ thì đổi khác rồi, anh ạ. Được Nhà nước đầu tư, Mỏ Phàng có cả cái hồ treo hàng vạn khối nước, có cả các đoàn lên ủng hộ chăn màn, quần áo rét, gạo, ngô no đủ. Rồi được sự giúp đỡ của các anh chiến sĩ Biên phòng, giúp đỡ của tỉnh, của huyện và đồng bào cả nước.

Nói chung, đồng bào ta ở đây đã biết làm ăn, đã dành dụm tiền để xây dựng được nhà cửa khang trang, đưa con em mình tới trường, tới lớp. Đường về các thôn đã được trải bê tông, có điện, đường, trường, trạm, nhân dân nô nức thi đua sản xuất, quả bí, sinh ngô, con bò, con lợn, con gà... cái gì bây giờ cũng có thể thành hàng hóa.

Đấy anh xem, con đường bám vào sười núi mà đi lên, từ trung tâm thị trấn Mèo Vạc về đây, hơn ba mươi cây số, lúc nào xe cộ cũng chạy băng băng. Chỉ cần có đường, rồi có người hướng dẫn cách làm ăn là đồng bào xây dựng được kinh tế gia đình, kinh tế thôn xóm bền vững thôi. Ở xóm em bây giờ cũng có thiếu thứ gì đâu, cứ có bò, lợn, gà, vịt... là đổi được mọi thứ, như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga... thôi. Em nghĩ chẳng có thời nào mà sướng như thời này, anh ạ.

Nắng, vẫn nắng, nắng vàng cả Săm Pun, nắng vàng cả Xín Cái, nắng trải dài khắp vùng biên giới. Khi chúng tôi về tới đồn đã hơn mười hai giờ trưa, bữa cơm Biên phòng mới ngon làm sao: Có cá kho với riềng, có thịt hun khói, có rau xanh... càng thấy thấm thía tình quân dân.

Tôi quay sang hỏi anh lính ngồi bên cạnh, anh bảo: "Cá thì chúng em nuôi ở dưới ao của đồn, lợn thì cũng ở trong chuồng của đồn, còn rau xanh thì ở ngoài vườn. Nói chung, tất cả những thứ anh ăn hôm nay đều là "cây nhà, lá vườn" cả. Mà chúng em tăng gia để cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ. "Đồn là nhà, biên giới là quê hương" mà. Bây giờ thời bình nên chúng em tăng gia được nhiều, sinh hoạt theo kiểu cao cấp rồi, anh ạ...

Còn bao nhiêu chuyện nữa về cái nắng Săm Pun, về ba mươi bảy cua đường như dán vào vách núi dốc ngược lên đỉnh cao hai nghìn mét trên khu biên giới Xín Cái. Thế mà, chúng tôi phải chia tay, phải xuống núi, xa những người dân ở thôn Xín Cái, ở Mỏ Phàng, ở "đồn trạm hữu nghị, biên giới bình yên" Săm Pun mà trở về Mèo Vạc.

Đêm ấy, cứ trằn trọc mãi không sao tôi chợp mắt được khi nghĩ về Săm Pun, khi nghĩ về Mỏ Phàng và bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tôi đang lăn lộn trên vùng biên giới.

Một mùa xuân lại đến, một mùa hoa đào lại nở, rừng biên cương lại thắm hồng với biết bao người chiến sĩ lại xa nhà để bảo vệ mùa xuân, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Săm Pun ơi, mốc 465 ơi, hẹn một ngày tôi tới...

Nguyễn Quang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngan-ngo-sam-pun/