Ngăn ngừa bệnh thành tích khi xét tặng danh hiệu văn hóa

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, số lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa đạt tỷ lệ rất cao, hầu hết từ 80% trở lên, thậm chí có nơi đạt 100% gia đình văn hóa. Nhìn vào tỷ lệ các danh hiệu văn hóa (DHVH) này không ít câu hỏi hoài nghi về chất lượng khi mà những hành vi phản cảm, những tệ nạn xã hội vẫn không có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Số lượng không đi đôi chất lượng

Nếu như từ đầu những năm 2000, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Hòa Bình mới bắt đầu sơ khai thì nay, sau 17 năm triển khai thực hiện, các phong trào luôn đạt được những kết quả đáng kể. Năm 2016, toàn tỉnh có 160.364 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt 77,7%. Phong trào xây dựng “Làng, bản, tổ dân phố văn hóa” (còn gọi là “Khu dân cư văn hóa”) có 1.410 làng, bản, tổ dân phố văn hóa, đạt 68,2%. Tuy các chỉ tiêu văn hóa đạt cao, song theo đánh giá của ông Ngô Văn Lý, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hòa Bình, chất lượng của phong trào tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm. Đáng nói là tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tương đối cao, nhưng việc thực hiện nếp sống văn hóa còn hạn chế, bất cập.

Ảnh minh họa / qdnd.n

Những tồn tại của tỉnh Hòa Bình cũng là căn bệnh chạy theo thành tích trong việc xét tặng DHVH cho các gia đình và khu dân cư của các tỉnh, thành phố khác. Nói về thực trạng xây dựng các DHVH tại tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Văn Đâu, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận: Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy trình bình xét các DHVH, dẫn đến chất lượng các danh hiệu chưa cao, kết quả phong trào thiếu bền vững. Ông Đâu chỉ ra nguyên nhân đó là nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên họ chưa quan tâm, chưa hiểu, chưa thấy được quyền lợi, lợi ích của bản thân, của gia đình và của cộng đồng, vì vậy chưa tự nguyện thực hiện phong trào. Ông Đâu chia sẻ, khó khăn lớn nhất là việc mời dự họp để đăng ký, để bình xét. Đại diện hộ gia đình đi dự họp không đầy đủ, không phát biểu ý kiến do ngại mất lòng hàng xóm hoặc không nhớ hết nội dung, tiêu chí đánh giá.

Mơ hồ hay thậm chí người dân không biết gì về các tiêu chí xét danh hiệu gia đình văn hóa là thực tế khi chúng tôi đi tìm hiểu tại một số địa phương. Tìm hiểu tại tổ dân phố số 7, phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi thấy có gia đình có người nghiện ma túy, phạm tội, hay bố mẹ thường xuyên mắng chửi nhau, sinh con thứ ba... nhưng gia đình đó vẫn được đăng ký xét danh hiệu gia đình văn hóa.

Cần kiểm tra sâu sát, đánh giá chặt chẽ

Ghi nhận của chúng tôi tại thôn Cổ Điểm B, xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho thấy, dù chỉ là phong trào nhưng các DHVH là sự động viên về mặt tinh thần to lớn cho người dân. Cụ Đắc, năm nay ngoài 80 tuổi, khi được hỏi về thôn, về DHVH của khu dân cư, cụ không giấu nổi cảm xúc tự hào. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Văn, Bí thư Chi bộ thôn Cổ Điển B cho biết: "Năm 2017, qua bình xét, thôn Cổ Điển B có 482 hộ gia đình đạt danh hiê%3bụ gia đình văn hóa, chiếm tỷ lê%3ḅ 95%. Người dân trong thôn vốn là những người hiền lành, gắn bó với thôn từ tấm bé nên khi thôn liên tiếp nhận danh hiệu "Làng văn hóa" cấp huyện, ai nấy cũng phấn khởi. Nhiều mô hình hay về xây dựng đời sống văn hóa trong thôn được người dân tích cực tham gia, nhân rộng. Trước thực trạng chạy theo thành tích trong việc xét tặng các DHVH, ông Trương Văn bày tỏ, cần phải xem xét lại việc công nhận các DHVH. Việc công nhận này phải chính xác để các gia đình, các địa phương đã đạt được danh hiệu thêm vinh dự, còn những nơi chưa đạt nhìn vào đó mà cố gắng phấn đấu.

Bàn về các DHVH, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bày tỏ hoài nghi trước tỷ lệ các DHVH được công nhận ngày càng tăng trong khi tệ nạn xã hội vẫn không hề giảm. Ông Hiền thông tin, hiện cả nước có 210.000 người nghiện, nhưng theo công bố của các nhà khoa học thì con số này lên đến 500.000 người. Việt Nam công bố 15.000 người bán dâm, nhưng một công bố của Liên hợp quốc thì cho rằng, ở Việt Nam hiện có khoảng 800.000 hộ gia đình có người bán dâm và người nghiện ma túy. Như vậy, 800.000 hộ này sẽ không được công nhận gia đình văn hóa, nhưng hiện nay số lượng gia đình văn hóa vẫn tăng tỷ lệ thuận với tệ nạn xã hội thì đây là bài toán đặt ra trong công tác kiểm tra, đánh giá các danh hiệu.

Trước những bất cập nêu trên, ông Trần Hướng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL thẳng thắn cho rằng: Để xây dựng đời sống văn hóa, các cơ quan quản lý đừng nên bàn tới những chuyện vĩ mô, mà phải có những thay đổi nhìn vào thực tế chứ không nên chạy theo số lượng hay theo phong trào. Theo ông Dương, việc xét danh hiệu phải dựa trên các tiêu chí cụ thể của từng đơn vị chuyên môn, sau đó để các cục, vụ, các đơn vị có liên quan góp ý kiến, đánh giá chất lượng các tiêu chí. Các tiêu chí này phải cụ thể, dễ đánh giá, dễ thực hiện và dễ triển khai để công tác này không chỉ là hình thức. “Tôi nghĩ rằng, làm phong trào muốn được xã hội công nhận phải đi đôi với chất lượng. Muốn đạt được điều đó, cơ quan quản lý nên xây dựng thành văn bản pháp quy. Chúng ta đừng ngại thay đổi nếu như thay đổi đó đem lại kết quả cao hơn”, ông Dương nêu quan điểm.

NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-ngua-benh-thanh-tich-khi-xet-tang-danh-hieu-van-hoa-525542