Ngàn người đổ về làm lễ Vu Lan báo hiếu nơi linh thiêng Ngọa Vân

Là thánh địa của Phật Giáo Trúc Lâm, chùa Ngọa Vân (Quảng Ninh) là một trong những địa điểm được hàng ngàn người dân tìm đến trong mùa lễ Vu lan báo hiếu.

 Phật tử từ các tỉnh thành liên tục hành hương về nơi đây dự lễ Vu Lan mùa báo hiếu.

Phật tử từ các tỉnh thành liên tục hành hương về nơi đây dự lễ Vu Lan mùa báo hiếu.

Tương truyền, Ngọa Vân là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và đắc đạo. Nơi đây đã trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Ngài mất, tổ Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Đến nay, Ngọa Vân đã trở thành một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn trên dãy Yên Tử. Ảnh: Các phật tử xếp thành hàng dài để chờ đến lượt lên núi Ngọa Vân

Sau khi được trùng tu, xây dựng lại, với hệ thống cáp treo cùng đường đi bộ trải bê tông, Ngọa Vân giờ đây trở thành một điểm đến hành hương lễ Phật vô cùng đặc biệt

Được xây dựng lại, nâng cấp, nhưng những giá trị của Ngọa Vân được lưu giữ trọn vẹn. Đỉnh núi ngàn năm mây phủ, phong cảnh hữu tình khiến ai đặt chân đến đều thấy lòng thư thái, niệm ngộ được rất nhiều những điều tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật.

Chùa nằm ở vị trí trung tâm sườn phía Nam của núi Bảo Đài (nay là núi Vây Rồng), thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thuộc dãy núi Yên Tử. Ở độ cao trung bình trên 500m so với mặt nước biển, tựa lưng vào núi Bảo Đài. Chùa là một cụm các công trình phân bố từ chân lên đỉnh của ngọn Ngọa Vân nơi nhân dân hiện nay quen gọi là khu Chùa đổ hay Nhà Mẫu và Bàn Cờ tiên.

Chùa Ngọa Vân thường xuyên có những hoạt động như lễ hội Xuân Ngọa Vân, tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu, cúng rằm hàng tháng, giỗ Phật Hoàng…..với cách tổ chức qui củ, đảm bảo đầy đủ các yếu tố văn hóa và tâm linh.

Dịp Vu lan các nhà sư tổ chức thuyết Pháp cho khách hành hương về các triết lí của Nhà Phật, về ý nghĩa của Vu Lan Báo hiếu, giảng giải về đạo hiếu, con cái phải biết ơn công đức sinh thành, hi sinh dưỡng dục của cha mẹ. Nhà chùa cùng Ban tổ chức hiến tặng cơm chay cho phật tử và miễn phí xe ô tô đưa đón.

Đặc biệt, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Đây là một nghi lễ được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng.

Hành hương đến nơi tu hành của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, học hỏi và giác ngộ thêm nhiều điều cao đẹp, đến Ngọa Vân là tìm về mảnh đất linh thiêng và nơi dung dưỡng tâm hồn.

Quang Thái

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ngan-nguoi-do-ve-lam-le-vu-lan-bao-hieu-noi-linh-lieng-ngoa-van-1452435.tpo