Ngân sách tài khóa 2020 'mơ ước' của Tổng thống Trump sẽ không thể đi quá xa

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố đề xuất ngân sách cho tài khóa 2020 vào ngày 11/3. Con số thực tế sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua và với sự kiểm soát của phe Dân chủ tại Hạ viện, ngân sách của Chính quyền Tổng thống Trump đề xuất sẽ không thể 'đi quá xa'.

Tăng ngân sách quốc phòng, giảm chi tiêu trong nước

Kế hoạch chi tiết về ngân sách của Tổng thống có thể thể hiện một phần chương trình nghị sự của ông Trump dưới sự chi phối của một Quốc hội đang bị chia rẽ, đồng thời cũng có thể là một lộ trình cho các cuộc “tranh cãi” về ngân sách sẽ diễn ra năm tới, đặc biệt là khi sự chú ý đang dồn vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Kế hoạch chi tiêu ngân sách của Tổng thống Donald Trump có 5 điểm cần chú ý. Thứ nhất là Tăng chi tiêu quốc phòng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị đề xuất thúc đẩy chi tiêu quốc phòng, một động thái có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ các thành viên đảng Cộng hòa.

Kế hoạch chi tiết về ngân sách của tổng thống có thể thể hiện một phần chương trình nghị sự của ông Trump dưới sự chi phối của một Quốc hội đang bị chia rẽ. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, việc thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng bị đảng Dân chủ cho là một "thủ thuật" mà họ tin rằng, sẽ khiến các chương trình trong nước bị cắt giảm nghiêm trọng. Nhà Trắng sẽ đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng bằng cách tăng cường ngân sách chiến tranh cho Lầu Năm Góc - còn được gọi là quỹ hoạt động dự phòng ở nước ngoài (OCO). Đó là một cách để đáp ứng ưu tiên tăng chi tiêu quân sự của đảng Cộng hòa mà không phải tăng giới hạn chi tiêu đã được đặt ra năm 2011. Động thái này chủ yếu nhằm tăng chi tiêu quốc phòng mà không cần phải thỏa thuận với phe Dân chủ về việc tăng chi tiêu trong nước.

Nhà Trắng đang rất trông đợi vào kế hoạch của mình đối với tài khóa này. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện John Yarmuth (đảng Dân chủ, Kentucky) và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith (Dân chủ, Washington) đã phản đối kế hoạch của Nhà Trắng, cho rằng, kế hoạch này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khoản đầu tư quan trọng khác đối với an ninh kinh tế và Chính phủ Mỹ.

Các quỹ OCO là chủ đề tranh cãi từ lâu, với mục đích dự định là nhằm phục vụ cho các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông, nhưng các nhà chỉ trích - bao gồm một số thành viên đảng Cộng hòa - đã “chế giễu” OCO như một quỹ đầu tư quân sự.

Thứ hai là cắt giảm mạnh chi tiêu trong nước. Mặt sau của động thái chỉ tăng chi tiêu quốc phòng là việc dự kiến cắt giảm sâu đối với chi tiêu trong nước. Theo quy định về giới hạn ngân sách được thiết lập vào năm 2011 thì điều này cũng có nghĩa là chi tiêu trong nước bị cắt giảm 55 tỷ USD và Nhà Trắng có thể đề xuất cắt giảm thêm nữa.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với hãng CNBC vào cuối tuần trước rằng, ông hy vọng "tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP sẽ thấp hơn" và giảm 5% chi tiêu trong nước "trên tất cả lĩnh vực". Tổng thống Donald Trump vốn không ưu tiên cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, sau khi một dự luật cắt giảm thuế khổng lồ và tăng chi tiêu của Chính phủ được ký, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Russell Vough đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với vấn đề thâm hụt ngân sách, đồng thời chỉ ra rằng, khoản nợ quốc gia hiện là hơn 22 nghìn tỷ USD.

Ông Russell Vough nhấn mạnh rằng, nhiều nghị sỹ Quốc hội không coi vấn đề trên là một lý do để thận trọng, cũng như không thừa nhận rằng, Washington đang gặp vấn đề về chi tiêu và họ đã không “làm việc” với Tổng thống Trump để giải quyết vấn đề này.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách liên bang Maya MacGuineas cho rằng, cần phải tập trung vào các khoản nợ, song cảnh báo rằng, cần phải tránh "thủ thuật" trong việc xây dựng ngân sách và những mục tiêu không thể đạt được để tiết kiệm nguồn tiền.

Ngân sách mới, vấn đề "cũ"

Điểm chú ý thứ ba liên quan tới bức tường biên giới. Ngân sách cũng sẽ là một tín hiệu quan trọng phản ánh cách Tổng thống Donald Trump muốn thúc đẩy thực hiện những ưu tiên của mình, trong đó có việc xây dựng bức tường dọc biên giới phía Nam với Mexico.

Việc Tổng thống Trump yêu cầu một khoản tiền bổ sung đáng kể cho việc xây dựng bức tường trong dự trù ngân sách của mình là một dấu hiệu cho thấy, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ của các nhà làm luật đối với kế hoạch này.

Tổng thống Donald Trump muốn thúc đẩy thực hiện những ưu tiên của mình, trong đó có việc xây dựng bức tường dọc biên giới phía Nam với Mexico. (Nguồn: AP)

Tổng thống Donald Trump đã bị Quốc hội từ chối khoản đề xuất trị giá 5,7 tỷ USD cho việc xây dựng bức tường trên - nguyên nhân chính dẫn đến việc Chính phủ phải đóng cửa lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thống Trump cuối cùng đã phải đồng ý ký vào một thỏa thuận chi tiêu cho phép Chính phủ hoạt động trở lại mà không có khoản chi cho việc xây dựng bức tường biên giới theo mức đề xuất của ông.

Sau đó, để giải quyết vấn đề này, Tổng thống Mỹ đã thực hiện một bước “phi thường” khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm giúp ông tiếp cận 8 tỷ USD trong các quỹ khác phục vụ cho việc xây dựng bức tường. Động thái này cũng làm dấy lên mối lo ngại từ những nhân vật bảo thủ và “diều hâu” về việc chuyển hướng ngân sách phục vụ cho việc xây dựng quân sự.

Kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump đã phải đối mặt với một thách thức pháp lý tại tòa án và từ các đối thủ trong Quốc hội, những người có thể vận động cho một nghị quyết ngăn chặn tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ. Mặc dù vậy, những nghị sỹ này đã không vận động đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để lật ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Trump.

Vấn đề thứ tư liên quan tới chương trình Obamacare. Mặc dù những nỗ lực lập pháp để bãi bỏ Obamacare đã thất bại, song phe Dân chủ rất muốn ghi điểm chính trị nếu Tổng thống Trump một lần nữa kêu gọi bãi bỏ đạo luật này trong ngân sách tài khóa của mình.

Năm ngoái, Nhà Trắng đã thông qua dự luật được đề xuất bởi Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bill Cassidy (bang Louisiana) và Lindsey Graham (bang Nam Carolina) nhằm bãi bỏ và thay thế Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), đồng thời kêu gọi cắt giảm trợ cấp y tế bằng cách giới hạn thanh toán trong chương trình.

Dựa trên những lưu ý từ cả hai đảng đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe, ngân sách tài khóa sẽ là cơ hội để Tổng thống Trump đưa ra các ưu tiên đối với việc giảm giá thuốc được kê đơn, một lĩnh vực có tiềm năng trong hợp tác với phe đa số Dân chủ. Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bày tỏ sự lạc quan về việc phối hợp lưỡng đảng.

Cuối cùng, chắc chắn, khoản cắt giảm ngân sách sẽ gây tranh cãi. Trong một loạt đề xuất cắt giảm, một số nội dung tương đối nhỏ song lại có nguy cơ làm bùng lên những tranh cãi lớn. Lấy ví dụ, ngân sách chi tiêu của chính quyền năm ngoái đã thu hút sự chú ý lớn khi kêu gọi hủy bỏ ngân sách cấp cho mạng truyền thông PBS và NPR thông qua Tổng công ty Phát thanh Công cộng.

Năm nay, một số vấn đề nhạy cảm có thể tính đến là tem thực phẩm và chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp, bởi theo Phó Chủ tịch Trung tâm ưu tiên chính sách và ngân sách Joel Friedman, "nếu được thực thi, các chính sách này có thể làm tăng tình trạng nghèo đói và những khó khăn trong sinh hoạt cho người dân”.

Thu Hiền

(theo The Hill)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ngan-sach-tai-khoa-2020-mo-uoc-cua-tong-thong-trump-se-khong-the-di-qua-xa-89387.html