Ngăn sự lạm dụng, nghiện bia rượu, uống tới mức nguy hại

Tiếp tục phiên làm việc sáng ngày 16/11 tại kỳ họp thứ 6, các ĐBQH tham gia thảo luận về dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các đại biểu cho nhiều ý kiến về tên dự luật, phạm vi điều chỉnh đối tượng phù hợp với thông lệ quốc tế.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng, theo Ủy ban ATGTQG, mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội là không thể đo đếm được. Quảng cáo bia, rượu với những mỹ từ như “hào khí ngàn năm” “chung một đam mê”, “chất men thành công” dễ làm người nghe lầm tưởng, Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, khiến nhiều gia đình mất đi người ruột thịt…

"Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, của bạo lực, bạo hành? Phản biện là cần thiết nhưng đến mức nếu cho rằng việc thông qua Dự án Luật này là khai tử ngành rượu bia thì hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo hành hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của người vợ mất chồng, con mất cha do uống rượu gây ra" – đại biểu Nhân phân tích.

ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) thảo luận tại phiên họp sáng 16/11

ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật: “Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có những chế tài cụ thể mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát việc sản xuất bia, rượu không đảm bảo, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng cho người uống, mà còn cả cộng đồng, xã hội.

Về tên gọi của Dự án Luật là “Luật phòng, chống tác hại của rượu bia”, Đại biểu Chiểu cho rằng, tên gọi này dễ dẫn đến cách hiểu rượu và bia là hoàn toàn có hại. Trong khi đó, tác hại chỉ xảy ra khi sử dụng quá liều lượng, sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Vị đại biểu này tiếp tục phân tích, với mục đích ban hành luật để bảo vệ sức khỏe nhân dân nên đối tượng tác động của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, người sử dụng phải có ý thức để không ảnh hưởng đến sức khỏe, cộng đồng.

ĐB Chiều đưa ra ý kiến, nếu Dự án Luật chỉ điều chỉnh rượu và bia là chưa bao quát hết thực tiễn, Đại biểu Chiểu đã đề nghị tên của Luật là “Luật kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tại phiên họp sáng 16/11

Tranh luận với ý kiến của ĐBQH Trần Quang Chiểu, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết “Dự án luật này không phải cấm rượu bia, mà là phòng, chống tác hại rượu bia nên, chỉ phòng những cái có hại…ĐB Tuấn cho biết, rượu hay bia thì bản chất vẫn là đưa ethanol vào cơ thể, nếu uống ít thì không sao nhưng uống nhiều thì sẽ gây tác hại. Bởi vậy mục đích của luật là ngăn lạm dụng chứ không ngăn sử dụng.

"Tôi cũng tranh luận lại với từ “lạm dụng”, lạm dụng rượu là gì? Lạm dụng rượu chia làm 3 loại: Thứ nhất, uống mà có nguy hại sức khỏe; thứ hai, uống quá độ; thứ ba, nghiện rượu. Như vậy, ngay mức độ đầu tiên uống rượu có nguy hại sức khỏe, nếu uống thường xuyên gây nguy cơ tai hại đến mặt thể chất và xã hội. Như vậy, phải chờ đến uống thường xuyên mới phòng thì không ổn. Tiếp nữa, nói rượu và bia là khác nhau nhưng cả hai loại này đều là đồ uống có cồn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, khi tham gia giao thông mà trong người có cồn thì bị phạt không cần biết sử dụng bia hay rượu”, ĐB Tuấn nhấn mạnh.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ngan-su-lam-dung-nghien-bia-ruou-uong-toi-muc-nguy-hai-d2058457.html