Ngăn tai nạn liên quan xe hợp đồng mùa lễ hội

Xe hợp đồng hoạt động tấp nập do nhu cầu người dân tăng cao dịp đầu năm. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình này còn nhiều lỗ hổng.

Bất an những chuyến xe hợp đồng du lịch

Hiện trường xe chở khách du lịch nước ngoài mất lái rơi xuống vực tại Khánh Hòa sáng 19/2

Hiện trường xe chở khách du lịch nước ngoài mất lái rơi xuống vực tại Khánh Hòa sáng 19/2

Khoảng 6h40 ngày 19/2, chiếc xe hợp đồng BKS 92F-003.06 do tài xế P.D.N. (trú tại Quảng Nam) điều khiển chở theo 10 khách du lịch, đến Km 29+500 trên QL27C (Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), bất ngờ bị mất lái lao xuống vực sâu chừng 2m, may mắn không có ai bị thương.

Cùng ngày, tổ công tác của Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại ngã tư Quán Sứ - Tràng Thi đã dừng xe kiểm tra, phát hiện tài xế N.T.H. (SN 1967, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chở 16 khách du lịch từ Hà Giang về Hà Nội có vi phạm nồng độ cồn nên buộc phương tiện không được tiếp tục di chuyển, xử lý tài xế.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc tiềm ẩn rủi ro cho hành khách lựa chọn loại hình vận chuyển này. Thực tế cho thấy, tình trạng tài xế không quen xe, không phải là lái xe chính thức của các công ty vận tải du lịch xảy ra phổ biến dịp đầu năm và đã có nhiều tai nạn xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (trú tại Hà Nội) chia sẻ, cách đây 1 tuần, chị cùng cơ quan đi du xuân đầu năm nhưng phải đổi xe đến 2 lần do chiếc ô tô đầu tiên bị hư hỏng giữa đường.

Thậm chí, tài xế còn tâm sự “không quen xe” vì đó không phải chiếc xe mà họ lái mỗi ngày khiến ai nấy đều lo lắng, bất an.

Theo ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, nhu cầu đi du lịch, tham quan, lễ chùa đầu năm của người dân tăng cao, tập trung vào các ngày cuối tuần. Do lượng khách không đi đều, nhiều tài xế của công ty đã xin nghỉ để tìm công việc khác.

“Công ty có 27 xe hợp đồng nhưng chỉ có 10 tài xế nhận lương cứng. Vào dịp cuối tuần lượng khách đông, các xe hoạt động hết công suất, công ty phải thuê thêm lái xe bên ngoài”, ông Nghĩa cho hay.

Nhìn nhận thực trạng này, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, việc các xe hợp đồng du lịch phải hoạt động hết công suất tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phương tiện không được bảo dưỡng kịp, phải quay vòng liên tục.

“Tài xế xe hợp đồng du lịch thường không chuyên tuyến, chưa quen đường, trong khi các điểm lễ chùa, du xuân thường ở vùng núi cao, đường đèo hiểm trở, dễ bị bất ngờ trước các tình huống phát sinh.

Đặc biệt, với những lái xe được các công ty thuê thêm khi thiếu nhân sự, rủi ro mất ATGT càng cao do chưa quen xe, chưa quen đường”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nhu cầu tăng cao khiến thời gian làm việc của lái xe dài hơn.

Vì cố chạy cho kịp lịch trình nên nhiều tài xế làm việc quá thời gian 4 tiếng liên tục dẫn đến mệt mỏi, không tập trung, dễ gây ra tai nạn.

Cách nào đảm bảo an toàn?

Hiện trường xe du lịch đâm ngang hông xe tải chở đất ở Quảng Ninh ngày 18/2

Một lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh Yên Bái) thừa nhận, việc quản lý các xe hợp đồng hiện nay vẫn tồn tại bất cập do các doanh nghiệp không chủ động gửi hợp đồng và danh sách hành khách về Sở trước mỗi chuyến đi.

Dù thông qua thiết bị GSHT có thể phát hiện các phương tiện vi phạm quy định này, tuy nhiên, Phòng Quản lý vận tải không có chức năng kiểm tra xử phạt mà phải thông qua lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT.

Việc xử lý không được thực hiện thường xuyên do cán bộ tại Phòng, lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở mỏng, không thể giám sát, kiểm tra 24/7 tất cả các phương tiện trên địa bàn.

TS. Khương Kim Tạo cho rằng, cơ quan chức năng cần khai thác triệt để thiết bị GSHT, thường xuyên theo dõi để cảnh báo trực tiếp hoặc xử phạt nguội các phương tiện chạy quá tốc độ, tăng tính răn đe, phòng ngừa TNGT xảy ra.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, doanh nghiệp vận tải khách theo hợp đồng cần phải xây dựng được đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, có cơ chế lương thưởng xứng đáng để giữ chân tài xế.

Trước mỗi chuyến đi, doanh nghiệp vận tải cần chủ động khuyến cáo các tài xế, đặc biệt với đội ngũ lái xe thuê chủ động chấp hành Luật GTĐB, đi chậm để làm quen xe, chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.

Đồng quan điểm, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, bên cạnh kỹ năng của tài xế, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường, tập trung vào xe hợp đồng.

Các Sở GTVT cũng cần tập trung kiểm soát thời gian lái xe, kỹ năng điều khiển phương tiện của tài xế, từ đó giảm bớt nguy cơ có thể gây ra tai nạn.

Phía doanh nghiệp, cần phải giám sát chặt chẽ hệ thống thiết bị GSHT, camera giám sát để chủ động phát hiện những biểu hiện mệt mỏi của tài xế, tốc độ của phương tiện nhằm cảnh báo kịp thời, ngăn tai nạn có thể xảy ra.

“Hành khách trên xe cũng nên chủ động theo dõi lái xe để phát hiện hành vi vi phạm giao thông, trực tiếp nhắc nhở hoặc báo về công ty vận tải để có những điều chỉnh kịp thời”, ông Công khuyến cáo.

Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến xe khách, xe hợp đồng thời gian qua, Cục CSGT khuyến cáo, các tài xế điều khiển phương tiện chạy đường dài không lái xe quá 4 giờ liên tục và 10 giờ trong một ngày. Thêm vào đó, các tài xế phải chú ý điều khiển xe đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ phần đường, làn đường.

Khi đi trên các cung đường đèo dốc, sương mù che khuất tầm nhìn thì phải sử dụng đèn sương mù, chú ý quan sát. Đặc biệt, các tài xế cần tuyệt đối tuân thủ không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/ngan-tai-nan-lien-quan-xe-hop-dong-mua-le-hoi-d582736.html