Ngăn tai nạn xe khách khi đổ đèo

Sau kỳ nghỉ Tết, xảy ra nhiều vụ tai nạn xe khách, xe du lịch trên đường đèo núi. Các chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn.

Thiếu kỹ năng, không quen đường đèo

Hiện trường vụ TNGT xe hợp đồng chở khách bị lật ở Phú Thọ ngày 29/1

Hiện trường vụ TNGT xe hợp đồng chở khách bị lật ở Phú Thọ ngày 29/1

Khoảng 8h30 ngày 28/1 (mùng 7 Tết), tại Km 5+800, tuyến TL108 (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) xảy ra vụ TNGT khi chiếc xe BKS 29B - 510.70 chở 18 khách đi đám cưới, di chuyển trên đường dốc dài cua gấp dẫn đến mất phanh rơi xuống vực sâu 40m. Hậu quả, 4 người tử vong và nhiều người khác bị thương.

Vấn đề đảm bảo an toàn cho xe khách, xe hợp đồng luôn được khuyến cáo và đảm bảo tương đối tốt ở các nước phát triển. Ví dụ khi hành khách có trẻ em theo cùng, phải báo với bên vận chuyển trước để bố trí ghế (nôi) chuyên dụng cho trẻ em.
Thông tin về lái xe và tình trạng kỹ thuật phương tiện được thống kê chi tiết và cẩn thận trên hệ thống quản lý điện tử của doanh nghiệp vận tải. Khi cần, cơ quan quản lý nhà nước có thể truy cập để thực hiện các phân tích hay điều tra.

TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT

Một ngày sau đó, khoảng 13h48 ngày 29/1 (mùng 8 Tết), xe hợp đồng BKS 29F-007.91 chở 53 người di chuyển qua địa phận Đèo Cón (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cũng bất ngờ mất phanh.

Tài xế lúc này đã chủ động lao vào ta luy dương, chiếc xe sau đó bị lật, khiến 10 người bị thương.

Lý giải nguyên nhân,TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT nhìn nhận, nhu cầu đi lại tăng cao có thể khiến các xe du lịch phải hoạt động hết công suất.

Nhiều tài xế di chuyển trên các tuyến đường mới, vốn chưa có kinh nghiệm, dễ bị bất ngờ trước các tình huống phát sinh trên đường.

Đáng chú ý, các điểm lễ chùa, du xuân thường nằm ở khu vực đồi núi cao, đường sá tương đối hiểm trở, khó khăn.

Chưa kể, nhu cầu di chuyển tăng cao còn có thể khiến lái xe phải làm việc với cường độ lớn, làm gia tăng sự mệt mỏi cho tài xế, trong khi nhiều chuyến đi lễ, du xuân thường xuất phát từ sáng sớm cho đến tối muộn.

“Vấn đề an toàn kỹ thuật phương tiện cũng cần phải nhắc đến bởi không phải tất cả các xe hợp đồng đều được bảo dưỡng kịp thời vì vào thời gian cao điểm lễ, Tết, nhiều xe phải quay vòng liên tục”, TS. Hiếu nhìn nhận.

Trung tá Đỗ Tú Anh, nguyên Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, qua tìm hiểu, cả 2 phương tiện trong vụ tai nạn ở Sơn La, Phú Thọ đều là xe hợp đồng du lịch, không phải xe khách tuyến cố định, lái xe cũng không chuyên tuyến.

Chính vì thế, có thể quá trình điều khiển phương tiện tài xế không quen đường và gặp khó khăn trong xử lý các tình huống gặp phải trên các cung đường đèo dốc.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cả 2 vụ TNGT trên có dấu hiệu ban đầu cho thấy đều do mất phanh, có thể đến từ 2 nguyên nhân: Hệ thống an toàn kỹ thuật phương tiện hoặc do kỹ năng của người lái xe.

Ngăn chặn cách nào?

Chiếc xe khách hợp đồng chở 18 người đi đám cưới mất phanh lao xuống vực làm 4 người tử vong ngày 28/1 ở Sơn La

TS. Nguyễn Minh Hiếu cho biết, các doanh nghiệp du lịch hay vận tải hợp đồng cần bố trí lái xe phù hợp.

Các lái xe có kinh nghiệm cần được đưa vào hoạt động trên các tuyến đường khó, đèo dốc; hạn chế việc sắp xếp lái xe phải làm việc liên tục với quãng nghỉ ngắn, thông tin về thời gian làm việc của lái xe cần phải được theo dõi, thống kê sát sao.

Đồng quan điểm, Trung tá Đỗ Tú Anh cho rằng, các doanh nghiệp vận tải phải quán triệt các lái xe về kỹ năng thao tác khi điều khiển phương tiện tại những địa hình phức tạp, đèo dốc.

“Khi di chuyển trên đường đèo dốc nếu tài xế chủ quan cho rằng dốc ngắn, thấp, vẫn đi số cao và phải sử dụng phanh nhiều, có thể gây ra tình trạng mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh và dẫn đến tai nạn”, Trung tá Tú Anh lưu ý.

Thượng tá Phạm Việt Công nhấn mạnh thêm, kỹ năng điều khiển phương tiện, phán đoán tình huống trên các cung đường đèo dốc rất quan trọng.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại đang là cao điểm vận tải hành khách du xuân, do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường, tập trung vào xe khách, xe hợp đồng.

Cùng với đó, các Sở GTVT cần siết chặt công tác kiểm tra điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng theo quy định, tập trung kiểm soát thời gian lái xe, kỹ năng điều khiển phương tiện của tài xế, từ đó giảm bớt nguy cơ có thể gây ra tai nạn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CPTM Du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa, đơn vị chuyên vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng cho biết, TNGT là rủi ro mà không doanh nghiệp vận tải nào mong muốn, vừa gây thiệt hại về người, kinh tế vừa làm mất uy tín, thương hiệu của công ty.

Vì thế, việc doanh nghiệp vận tải sâu sát, nắm được những thế mạnh của từng tài xế và bố trí hợp lý là điều rất quan trọng.

Tài xế Đặng Đình Cường - người 3 năm liên tiếp (từ năm 2017 – 2019) đoạt giải “Vô lăng Vàng” và đoạt giải “Văn hóa giao thông” năm 2022 chia sẻ: “Kinh nghiệm đi đường đèo an toàn của tôi là đổ đèo từ từ, không đi nhanh, vượt ẩu, lên số nào xuống phải đi số đó, hạn chế dùng phanh bởi nếu lợi dụng phanh quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng cháy và đứt phanh, vô cùng nguy hiểm”.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/ngan-tai-nan-xe-khach-khi-do-deo-d580723.html