Ngân vang cồng chiêng xứ Mường

Chương trình hòa tấu cồng chiêng đặc sắc với tên gọi 'Vật báu hồn thiêng' với sự tham gia của 1.500 diễn viên, nghệ nhân đã được ghi vào kỉ lục Guinneess Việt Nam tại Lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất. Đây cũng chính là điểm nhấn trong hoạt động kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, 20 năm tái lập tỉnh...

Đồng bào Mường, Hòa Bình nô nức tham gia lễ hội

Hơn 1.500 nghệ nhân, diễn viên đến từ 11 huyện trong tỉnh và 6 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố như Đắc Lắc, Gia Lai, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội trình tấu các bài cồng chiêng truyền thống đan xen với các bài múa dân gian của dân tộc Mường.

Trong thời lượng 22 phút, các nghệ nhân, diễn viên cồng chiêng trình tấu và trình diễn tổ khúc âm nhạc cồng chiêng: Vật báu hồn thiêng, gồm 3 chương: Dạy chiêng, Tình yêu đất Mường, Hồn thiêng sông núi. Trong đó, có biểu diễn 4 bài nhạc cổ sắc pùa như Đi đường, Vào hội, Bến rậm sông bờ, Bông trắng bông vàng...

NSƯT Bùi Chí Thanh (Đạo diễn của chương trình Lễ hội) cho biết, mong muốn của những người tổ chức lễ hội lần này là góp sức để bảo tồn, phát huy nền văn hóa của dân tộc. Người Mường có cồng chiêng là vật báu thì phải trình làng, giới thiệu để nhân dân cả nước và thế giới biết. Vì thế hầu hết các tiết mục đều là cổ...

Các nghệ nhân cồng chiêng trình tấu những giai điệu đặc sắc, độc đáo nhất, nguyên bản nhất theo giai điệu, biểu diễn theo bài, đúng với phong cách trình diễn của không gian văn hóa cồng chiêng cổ của xứ Mường. Không trầm hùng, sôi động, mạnh mẽ, dồn dập và ngùn ngụt hứng khởi như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường nhịp nhàng, lắng đọng để rồi khơi gợi một cách nhuần nhị những rung động tinh tế nhất ở thẳm sâu tâm hồn. Đôi tay thiếu nữ Mường càng đánh càng hay, âm thanh cồng chiêng Mường càng nghe càng say đắm, giai điệu này cứ dặt dìu nối tiếp giai điệu kia, lúc bay bổng, lúc thiết tha lắng đọng, lúc rộn ràng giục giã như sắp đi trẩy hội, lúc lại khoan thai thư thái...

Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm và trọn một vòng quay xuân-hạ-thu-đông. 12 chiếc chiêng tạo ra 12 âm sắc, đồng thời hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hòa âm đã tạo dựng một “âm sắc Mường” độc đáo và riêng biệt. Những âm sắc đó đã góp phần làm nên những giá trị đẹp cho nền văn hóa cổ truyền của vùng đất Mường.

Không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường đã có lúc tưởng như mai một. Hàng ngàn, hàng vạn chiếc chiêng quý đã mất đi. Đáng mừng là khi cuộc sống đã qua thời kỳ khó khăn, nhiều gia đình đã tìm mua lại những chiếc chiêng quý để lưu truyền lại cho các đời sau.

Và đã có những nghệ nhân âm thầm, tự nguyện truyền dạy cho lớp trẻ với ước nguyện gìn giữ sự kỳ diệu của “mười hai âm sắc” mãi là cái hồn Mường... Theo ông Bùi Tú Cao (Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình), lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình hội tụ hàng ngàn chiếc chiêng là tín hiệu vui cho sự kế tục, khôi phục và trường tồn của không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường.

Thành công của Lễ hội cồng chiêng lần thứ nhất là tiền đề để tỉnh Hòa Bình lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường, tỉnh Hòa Bình” là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hồng Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngan-vang-cong-chieng-xu-muong/