Ngăn vi phạm từ gốc với xe hợp đồng

Việc buộc doanh nghiệp vận tải kinh doanh loại hình xe hợp đồng phải có bộ phận theo dõi ATGT vừa giúp hạn chế tai nạn, vừa loại bỏ được các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Lấp "lỗ hổng"nguy cơ tai nạn

Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vận tải xe tuyến cố định, xe buýt và vận tải hàng hóa bằng container phải có bộ phận theo dõi ATGT.

Cả nước có gần 240 nghìn xe hợp đồng chở khách. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng có quy mô nhỏ, không có bộ phận chuyên trách theo dõi an toàn. Ảnh: Tạ Hải.

Bộ phận này có nhiệm vụ quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT của doanh nghiệp như các điều kiện an toàn của phương tiện; thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm; giám sát và nhắc nhở lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông…

Quan điểm của Cục Đường bộ VN là không cấm nhưng cần có giải pháp để quản lý chặt xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, đảm bảo hoạt động đúng bản chất xe hợp đồng. Từ đó góp phần tạo bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo an toàn cho người dân. Quy định pháp luật đưa ra là phải trên tinh thần dễ làm, dễ xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN

Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải theo hợp đồng lại không phải thực hiện quy định này. Đây được cho là lỗ hổng gây nguy cơ xảy ra nhiều vụ tai nạn, mà đáng lẽ có thể được ngăn chặn ngay từ đầu.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, hiện có hơn 17.000 xe tuyến cố định, gần 240.000 xe hợp đồng kinh doanh vận tải. Có nghĩa là đang có hơn 70% tổng số xe khách không phải thực hiện quy định nêu trên.

Rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe hợp đồng đều có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của những đơn vị kinh doanh vận tải. Do không có bộ phận theo dõi ATGT, việc giám sát và nhắc nhở các hành vi mất an toàn của lái xe không được kịp thời.

Để khắc phục, Cục Đường bộ VN đang đề xuất bổ sung vào dự thảo sửa đổi Nghị định 10 và Luật Đường bộ, quy định doanh nghiệp xe hợp đồng phải có bộ phận theo dõi ATGT. Bộ phận này phải có ít nhất 3 người.

Quy định sẽ khắc phục được tình trạng thiếu sự quản lý, giám sát của doanh nghiệp đối với phương tiện, lái xe, hạn chế thấp nhất tai nạn do xe hợp đồng gây ra.

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, các thủ tục hành chính, điều kiện cấp phép kinh doanh vận tải hiện đã được đơn giản hóa, thời gian cấp nhanh chóng. Tuy vậy, trách nhiệm của các doanh nghiệp lại khá mờ nhạt.

"Nếu bổ sung quy định mới, sẽ chấm dứt tình trạng "nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải", kinh doanh chộp giật. Chỉ doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực mới có điều kiện duy trì bộ phận này theo yêu cầu. Khi đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ đảm bảo quy mô, chuyên nghiệp hơn", ông Tuyển nói.

Khẳng định sự cần thiết của bộ phận theo dõi ATGT, song ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc quy định bắt buộc hộ kinh doanh hay hợp tác xã dịch vụ vận tải có bộ phận theo dõi ATGT là khó khả thi.

"Cần nghiên cứu quy định theo hướng có thể cho phép họ được thuê dịch vụ theo dõi ATGT, hoặc có thể hạn chế phạm vi hoạt động", ông Quyền nói.

Doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ yếu nhiều thứ

Theo ông Trần Quang Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN (nay là Cục Đường bộ VN), dịch vụ vận tải đường bộ là lĩnh vực được xã hội hóa mạnh mẽ và có sự phát triển nóng trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần.

Xe kinh doanh theo hợp đồng nở rộ nhiều năm qua nhưng chế tài quản lý loại hình này còn nhiều lỗ hổng.

Tính đến nay, cả nước hiện có gần 2.700 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vận tải với hơn 350 nghìn xe khách và 620 nghìn xe tải các loại. Hầu hết các đơn vị vận tải đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương pháp quản lý thủ công, điều hành yếu kém, hiệu quả kinh doanh thấp.

Kết quả khảo sát cho thấy, gần 60% các đơn vị vận tải tuyến cố định và hơn 80% đơn vị vận tải hành khách hợp đồng chỉ có dưới 5 xe.

"Do không có quy định chi tiết về quy mô đơn vị vận tải bằng ô tô nên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải được thành lập tràn lan, manh mún, nhỏ lẻ, điều hành lỏng lẻo, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, ATGT.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lộn xộn, vi phạm thường xuyên về tốc độ mà không được nhắc nhở. Có trường hợp khi xe gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ doanh nghiệp mới biết", ông Bình cho hay.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, hiện hơn 80% số doanh nghiệp vận tải có dưới 5 xe. Quan điểm của Cục Đường bộ VN là không cấm xe hợp đồng hoạt động nhưng đã kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi ATGT. Quy định này ngoài việc để đơn vị vận tải thực hiện tốt công tác đảm bảo ATGT còn giúp nâng cao quy mô doanh nghiệp, hạn chế doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.

Đồng thời, việc này sẽ khắc phục cơ bản những bất cập trong đăng ký và thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải, quản lý ATGT ở các đơn vị vận tải, loại bỏ dần những đơn vị chất lượng dịch vụ kém.

"Nếu không nâng cao được quy mô của doanh nghiệp sẽ rất khó quản lý, không thể áp dụng khoa học công nghệ cũng như cung cách quản lý tiên tiến vào hoạt động", ông Cường nói thêm.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngan-vi-pham-tu-goc-voi-xe-hop-dong-192231207231223543.htm