Ngành cá tra chờ sức bật của doanh nghiệp dẫn đầu

Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, giá cá tra hiện thấp nhất trong 10 năm qua, người nuôi đang lỗ từ 3.500-5.000 đồng/kg do cung vượt cầu và việc tiêu thụ gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nếu dịch Covid-19 đi qua, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khôi phục lại nhu cầu, cơ hội sẽ đến với các doanh nghiệp đang chủ động vùng nguyên liệu, có chuỗi sản xuất cá tra khép kín.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trên sàn, theo đà giảm do ảnh hưởng của đại dịch, cổ phiếu VHC của CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn đang giao dịch vùng giá 23.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vùng đáy giai đoạn tháng 8/2016 tới tháng 2/2018, thấp hơn 56,8% so với giá đỉnh tháng 11/2018. Mức thị giá của VHC cũng đang thấp hơn giá trị sổ sách là 53.613 đồng/cổ phiếu.

Với mã ANV của CTCP Nam Việt, vùng thị giá hiện là 14.850 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 54,3% so với đỉnh tháng 5/2019 và thấp hơn giá trị sổ sách 18.769 đồng/cổ phiếu.

Theo số liệu giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra đạt đỉnh cuối quý III và đầu quý IV/2018, sau đó giảm dần cho tới nay. Cũng như nhiều ngành kinh doanh khác, ngành cá tra có chung đặc điểm chịu chi phối của tâm lý đám đông.

Cuối tháng 6/2019, khi dấu hiệu cung vượt cầu rõ nét, người dân bắt đầu hạn chế nuôi mới. Ðiều này dẫn tới tình trạng khi nhu cầu phục hồi cũng là lúc nguồn cung nguyên liệu cá tra bị thiếu hụt, làm mất đi cơ hội xuất khẩu lượng lớn với giá tốt với những doanh nghiệp chạy theo yếu tố tâm lý thị trường.

Diễn biến giá cá tra từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2020.

Số liệu Cục Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2019, tổng sản lượng cá tra xuất khẩu là 9.388 tấn, trong đó, Vĩnh Hoàn đạt 1.016 tấn, chiếm 10,82%; Nam Việt đạt 964 tấn, chiếm 10,27%; Trường Giang đạt 587 tấn, chiếm 6,25%; Phát Tiến đạt 433 tấn, chiếm 4,61%; Hùng Cá đạt 415 tấn, chiếm 4,42% và các doanh nghiệp còn lại chiếm 63,62% sản lượng xuất khẩu.

Bên cạnh một vài doanh nghiệp lớn trong ngành như Vĩnh Hoàn, Biển Ðông hay Nam Việt, ngành cá tra hiện nay khá phân tán, mỗi doanh nghiệp chiếm một khoảng nhỏ thị phần, việc thu mua từ các hộ dân nuôi trồng vẫn là nguồn nguyên liệu chủ yếu.

Một số doanh nghiệp lớn chọn cách phát triển vùng nuôi trồng riêng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp chủ động trong việc điều tiết việc sản xuất cá giống và nguyên liệu trong các điều kiện thị trường.

Khảo sát của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, VHC sở hữu diện tích nuôi cá tra ước tính 495 ha, trong đó 300 ha đạt chứng nhận quốc tế về canh tác bền vững nên có lợi thế trong việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ và EU với yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Với công suất chế biến 750 tấn/năm (Nhà máy Vĩnh Hoàn 450 tấn/năm, Thanh Bình 150 tấn/năm, Vĩnh Phước 150 tấn/năm), VHC có khả năng tự chủ nguyên liệu ước tính 65%.

Tháng 1/2020, VHC phát triển thêm vùng nuôi mới rộng 220 ha, dự kiến cho thu hoạch lứa cá đầu tiên vào quý III/2020, từ đó nâng đáng kể khả năng tự chủ nguyên liệu.

Liên quan đến ANV, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tới cuối năm 2020, ANV sẽ tự chủ 100% con giống và về thức ăn cho vùng nuôi.

Diện tích nuôi hiện có 330 ha, có khả năng cung cấp 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm. Về cơ bản doanh nghiệp này đang tự cung nguyên liệu 100% không phụ thuộc bên ngoài.

Ðầu năm 2019, ANV đã khởi công dự án cá tra tại Bình Phú, tổng diện tích 600 ha chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I là 150 ha sản xuất giống đảm bảo tự chủ 100% con giống vào năm 2020, giai đoạn II là 450 ha nuôi cá thương phẩm với công suất 160.000 tấn cá nguyên liệu, dự kiến vận hành vào quý II/2021.

ANV hiện có công suất 1.200 tấn nguyên liệu/ngày tại 4 nhà máy Ấn Ðộ Dương, Nam Việt, Thái Bình Dương và Ðại Tây Dương.

Trong bức tranh chung của ngành cá tra còn khó khăn, một số doanh nghiệp đầu ngành đang tiềm ẩn cơ hội khi phát triển theo chuỗi kinh doanh kép kín, từ con giống tới xuất khẩu, có khả năng đáp ứng, tự chủ cao khi thị trường “ấm” trở lại.

Việc tự chủ có thể khiến VHC và ANV, trong ngắn hạn, không dễ đạt được biên lợi nhuận cao như các doanh nghiệp chuyên thu mua bên ngoài khi giá nguyên liệu giảm.

Tuy nhiên, về dài hạn, ổn định vùng nguyên liệu là một lợi thế đặc biệt khi thị trường xuất khẩu quay lại ổn định, đặc biệt các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc…

Theo báo cáo tài chính gần nhất, VHC có 1.578,2 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 23,9% tổng tài sản. ANV có 609,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 14,7% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Duy trì lượng tiền mặt lớn, cộng với tự chủ nguyên vật liệu sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính tự chủ trong thúc đẩy sản xuất hậu Covid-19. Ðây cũng là 2 doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Với chu kỳ từ khi nuôi cá tra tới khi bán dao động từ 5-6 tháng, việc giá cá tra giảm sâu giai đoạn cuối năm 2019 làm cho lượng nuôi mới bắt đầu giảm từ tháng 6/2019 đến thời điểm hiện tại.

Như vậy, lượng cung ứng ra thị trường dự báo sẽ giảm đáng kể, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2020. Ðây cũng là thời điểm các quốc gia châu Âu, Mỹ và Trung Quốc kỳ vọng bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế hậu Covid-19, sức tiêu thụ của các thị trường này sẽ tăng trở lại.

Nếu tiêu thụ cá tra phục hồi, lượng cầu cân bằng và vượt lượng cung, khi đó các doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu như VHC và ANV sẽ đủ sức khôi phục lại thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội tốt hơn là doanh nghiệp thụ thuộc vào việc thu mua bên ngoài.

Vũ Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/nganh-ca-tra-cho-suc-bat-cua-doanh-nghiep-dan-dau-321701.html