Ngành chăn nuôi vượt khó, hướng đến phát triển bền vững

Năm 2019, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây ra, ngành chăn nuôi vẫn đạt được những kết quả khá tích cực. Kim ngạch xuất khẩu chăn nuôi đạt cao hơn năm trước; tiến trình cơ cấu lại ngành được thúc đẩy mạnh mẽ...

Nhìn lại năm 2019

Nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại gia cầm Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại gia cầm Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Thực hiện cơ cấu lại hiệu quả

Trước khi DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam, chúng ta đã sớm cảnh báo và chủ động các biện pháp ngăn chặn. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt ngăn chặn, dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20-5-2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế DTLCP.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, quyết liệt về công tác phòng, chống dịch và chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi. Tuy nhiên, DTLCP diễn biến khó lường, có thời điểm lan ra cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Tổng số lợn phải tiêu hủy gần sáu triệu con, với tổng trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Đến nay, bước đầu DTLCP đã được khống chế, một số tỉnh đã hết dịch. 25 tỉnh, thành phố có hơn 85% số xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch. Trong tháng 12, ước tính số lợn buộc tiêu hủy khoảng 40 nghìn con, giảm 74% so với tháng 11 và giảm 97% so với tháng 5 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu chăn nuôi (gồm các sản phẩm: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, mật ong, sữa; nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi) năm 2019 vẫn ước đạt 1,2 tỷ USD, cao hơn so với năm 2018 (đạt gần một tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường “khó tính” Nhật Bản khá ổn định, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm đạt khoảng 11 triệu USD. Một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đưa trứng gà thương phẩm và sản phẩm trứng muối đến các nước: Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Cam-pu-chia, Lào; trứng gà giống sang Mi-an-ma; lợn sữa và lợn choai đông lạnh sang Hồng Công (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a; mật ong đến Mỹ và EU. Tháng 10-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang thị trường giàu tiềm năng Trung Quốc, do Công ty cổ phần Sữa TH ký hợp đồng.

Đây là dấu mốc quan trọng, cơ hội lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của nước ta. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, đến hết năm 2019, hầu hết các đối tượng vật nuôi đều phát triển tốt. Cụ thể, so với năm 2018, đàn bò tăng 2,4% với sản lượng thịt 350 nghìn tấn (tăng 4,4%); sữa đạt khoảng 1,1 triệu tấn (tăng 10%); đàn gia cầm tăng 13,5%, sản lượng thịt ước đạt 1,26 triệu tấn (tăng 15%); sản lượng trứng ước đạt 14 tỷ quả (tăng 12%).

Theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg, ngày 16-1-2008 phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành chăn nuôi nước nhà đã có bước phát triển cả về lượng và chất, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho hàng triệu hộ nông dân. Thành quả đạt được do sự chung tay của nhiều tập đoàn, DN lớn xây dựng được các chuỗi liên kết khép kín, sản xuất có hiệu quả với chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ an toàn thực phẩm như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Vinamilk, Dabaco, Quế Lâm, TH True milk, Masan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… Cùng với đó là những mô hình chăn nuôi an toàn, hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo của nông dân như mô hình nuôi gà của Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy ở Hòa Bình của anh Bùi Đông Giang, nuôi lợn tại trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Nghĩa ở xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên)...

Theo đánh giá của các chuyên gia, chúng ta đã cơ cấu lại sản xuất ngành chăn nuôi khá hiệu quả, theo chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, bao gồm các chuỗi: DN - trại chăn nuôi gia công, DN - hợp tác xã - nông hộ, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, chú trọng khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh, hiện toàn quốc có 32 vùng an toàn dịch bệnh (31 vùng cấp quận/huyện và một vùng cấp toàn tỉnh/thành phố), 138 cơ sở cấp xã và 1.662 cơ sở cấp trang trại...

Hướng đến phát triển bền vững

Cố gắng khắc phục những hạn chế, hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới, theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, ngành chăn nuôi sẽ đi theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi (SPCN). Củng cố hệ thống tiêu thụ SPCN đối với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - lưu thông - tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các doanh nghiệp và hiệp hội. Quản lý hoạt động sản xuất theo chuỗi từ vật tư đầu vào, đến giết mổ, chế biến, phân phối SPCN trên thị trường và đến người tiêu dùng; có phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó chú trọng khoa học - công nghệ, khâu then chốt để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của SPCN. Cần ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực giống vật nuôi, ưu tiên giống bản địa; thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y.

Cùng với đó, cần nghiên cứu cơ cấu vật nuôi để lựa chọn những cá thể có hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Phấn đấu tới đây tỷ lệ gia súc được chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp đạt từ 41 đến 43%, gia cầm từ 50 đến 55%; số lượng gà được nuôi theo quy trình VietGAP đạt từ 19 đến 20%, lợn đạt từ 5,5 đến 5,8%. Tiếp tục cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn…; lai tạo và công bố một số tổ hợp lai gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp; phổ biến rộng rãi các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng. Tổ chức lại thị trường tiêu thụ SPCN trong nước, giảm bớt các khâu trung gian trong quá trình lưu thông. Củng cố và mở rộng các sàn giao dịch SPCN, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm cho các phân khúc thị trường. Đối với các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung phải xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp bảo đảm an toàn. Xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ nhỏ lẻ, thủ công.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại hệ thống giết mổ, để từng bước làm tốt khâu chế biến. Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu các SPCN, gắn với thương hiệu sản phẩm quốc gia. Xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển chăn nuôi phù hợp kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển và quảng bá các thương hiệu SPCN. Tiếp tục tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu SPCN. Đẩy nhanh quy mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ. Có giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp thực tiễn.

Theo Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Đức Tiến, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này, làm tốt thì từ năm 2020 đến những năm tiếp theo ngành chăn nuôi sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra: Là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện, bảo đảm an toàn sinh học, ATTP, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Bộ NN và PTNT, năm 2020, ngành chăn nuôi phấn đấu: sản lượng thịt hơi các loại đạt 5,3 triệu tấn; trứng các loại có 15 tỷ quả, tăng 7,6%; sữa đạt hơn 1,15 triệu tấn, tăng 9,6%; mật ong là 27,5 nghìn tấn, tăng 10,9%; thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt hơn 17,5 triệu tấn, tăng 9,4% so với năm 2019.

HIỀN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42807002-nganh-chan-nuoi-vuot-kho-huong-den-phat-trien-ben-vung.html