Ngành có tỷ lệ sinh viên nhập học thấp nhất 3 năm gần đây

Thống kê của Bộ GD&ĐT, các lĩnh vực gồm Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội tuyển sinh thấp nhất năm 2022.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, 4 ngành học này có tỷ lệ thấp nhất trong tổng số 23 lĩnh vực theo báo cáo của Bộ GD&ĐT năm 2022.

Theo Báo cáo về Tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm năm 2022 của Bộ GD&ĐT mới công bố, hơn 467.400 thí sinh trúng tuyển đã nhập học, đạt tỷ lệ 81,17%.

Có 4 lĩnh vực gồm Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội trong 3 năm liền (từ 2020 đến 2022) đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh thấp nhất. Mỗi năm, các ngành này chỉ tuyển được khoảng 40-60% so với chỉ tiêu đề ra.

Bộ GD&ĐT nhận định hầu hết các ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Nguyên nhân do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Do đó, việc một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng dễ thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Trong khi đó, các thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý nhiều nhất với 26%, tương đương hơn 121.500 em.

Tiếp theo, thí sinh nhập học lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin với 13%, tương đương hơn 60.700 em; các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn cùng chiếm 9% thí sinh nhập học; các lĩnh vực Sức khỏe, Khoa học xã hội và hành vi cùng chiếm 6%; lĩnh vực Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên 5%. Các lĩnh vực còn lại, số thí sinh trúng tuyển dao động từ dưới 1-4%.

Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các phương thức xét tuyển có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Trong đó, hơn 50% số lượng thí sinh nhập học theo phương thức xét điểm thi THPT vào các trường.

Nói về công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm nay, đồng thời tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống chung cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình cũng như kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm nay (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1. Bên cạnh đó, có thể rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

L.Ngọc (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nganh-co-ty-le-sinh-vien-nhap-hoc-thap-nhat-3-nam-gan-day-post460299.html