Ngành công an đề xuất sẽ chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông

Sáng ngày 17-6, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an tổ chức Hội nghị thông tin báo chí 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, C08 tập trung thông tin các mặt hoạt động, đặc biệt là thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, tháng Tổng kiểm soát các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Tại đây, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng C08 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT cũng có những thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn. Đầu năm 2020, thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực; đáng kể nhất là những quy định phạt tiền ở mức cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn. Lĩnh vực giao thông cũng là lĩnh vực đầu tiên thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục C08 thông tin các nội dung hoạt động tại Hội nghị

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục C08 thông tin các nội dung hoạt động tại Hội nghị

Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh Covid-19 và sau khi hết giãn cách xã hội, lập trạng thái bình thường mới, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch Tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, được thực hiện trong 1 tháng (từ 15-5 đến 14-6). Lãnh đạo Cục C08 cho biết, mục đích cao nhất của đợt tổng kiểm soát này là bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đồng thời cũng để cho người tham gia giao thông tự giác chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, cũng như các điều kiện để tham gia giao thông an toàn.

Theo thống kê, trong 1 tháng, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện xử lý hơn 400.000 trường hợp vi phạm, trong đó có hơn 200.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 276 lái xe dương tính với ma túy.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng thông tin, hiện nay Bộ Công an trong quá trình hoàn thiện xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng theo hướng tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật: Luật Giao thông vận tải đường bộ do Bộ GT-VT chủ trì thực hiện và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Theo C08, việc tách bạch này hoàn toàn đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Cụ thể, những vấn đề thuộc về trật tự an toàn cho tổ chức, cá nhân tham gia giao thông được đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản sẽ thuộc sự điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Luật điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông, các biện pháp tổ chức hoạt động giao thông an toàn.

Trước đây Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định chung chung bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm chính. Do vậy, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, Bộ Công an đề xuất chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp, của cá nhân rõ ràng, rành mạch, trong đó ngành công an chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Hiện Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện dự án luật để báo cáo Chính phủ và cùng với Luật Giao thông vận tải đường bộ (sửa đổi) trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào thảo luận tại kỳ họp thứ 10, thông qua vào kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Theo thống kê của C08, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 6.781 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.235 người, làm bị thương 4.939 người. So sánh với cùng kỳ năm 2019, giảm 1.598 vụ (giảm 19,07%), giảm 572 người chết (giảm 15,03%), giảm 1.419 người bị thương (giảm 22.32%)

Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tăng (xảy ra 23 vụ, làm chết 74 người, bị thương 12 người), đặc biệt nổi lên các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia; tai nạn giao thông liên quan đến các xe tô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nganh-cong-an-de-xuat-se-chiu-trach-nhiem-chinh-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-667997.html