Ngành công nghệ rót hàng tỷ USD vào AI, làn sóng sa thải vẫn tiếp tục

Thị trường công nghệ khởi đầu năm mới với nhiều đợt cắt giảm nhân sự, ngược lại, nguồn vốn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) đã tăng gấp đôi…

Trong năm qua, trí tuệ nhân tạo khiến vô số người lao động mất việc làm ở Thung lũng Silicon và nhiều nơi khác. Không phải toàn bộ đợt sa thải gần đây trong ngành công nghệ đều liên quan trực tiếp đến công cụ AI, đôi khi chỉ đơn giản là hình thức tái cơ cấu tổ chức, theo CNN Business. Tuy nhiên, phần lớn thông báo cắt giảm nhân sự xuất hiện sau khi một số công ty công bố khoản đầu tư lớn vào AI.

Biến động trên thị trường lao động liên tục diễn ra dự báo nhiều bất ổn khi trí tuệ nhân tạo sẽ định hình bức tranh kinh doanh toàn cầu trong những năm tới.

HAI TUẦN ĐẦU NĂM 2024, 5.500 NHÂN VIÊN CÔNG NGHỆ BỊ SA THẢI

Nhiều đợt cắt giảm việc làm công nghệ gần đây đã diễn ra, từ big tech cho đến startup non trẻ.

Hai gã khổng lồ công nghệ Google và Amazon tuyên bố sa thải hàng loạt trong tuần này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm lao động tại nhiều bộ phận khác nhau. Tin tức cắt giảm việc làm tại Google và Amazon xuất hiện vài tháng sau khi hai hãng công bố khoản đầu tư hàng tỷ USD vào công ty khởi nghiệp AI Anthropic.

Cũng trong tuần này, nền tảng xã hội Discord cho biết đang cắt giảm 17% nhân viên. Unity Software, nhà sản xuất công nghệ được sử dụng trong nhiều trò chơi di động phổ biến như Pokemon Go, thông báo cắt giảm 25% lực lượng lao động. Cuối cùng, ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo cho biết số lượng nhân viên bị sa thải khoảng 10% tổng số lao động.

Theo dữ liệu Layoffs.fyi, hơn 5.500 nhân viên công nghệ bị mất việc trong chưa đầy hai tuần đầu năm 2024.

Những đợt cắt giảm nhân sự mới nhất diễn ra sau hai năm đại dịch đầy khó khăn, hàng trăm nghìn công nhân mất việc ngay cả khi đại dịch kết thúc. Khoảng 262.682 vụ sa thải trong ngành công nghệ được ghi nhận vào năm 2023. Con số đạt mức 164.969 lần cắt giảm vào năm 2022.

NỖI LO AI CHIẾM LĨNH

Ông Roger Lee, nhà sáng lập Layoffs.fyi, chia sẻ với CNN rằng nhiều công ty công nghệ vẫn đang cố gắng "khắc phục tình trạng tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch".

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân trên khắp thế giới buộc phải làm việc, giao tiếp xã hội và mua sắm trực tuyến khiến nhu cầu dịch vụ kỹ thuật số tăng vọt. Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ đã tạo ra nhiều đợt tuyển dụng đáng chú ý. Nhưng khi lệnh cấm được nới lỏng thì bất ổn kinh tế xuất hiện, thị trường lao động chứng kiến sụt giảm lớn nhất kể từ vụ phá sản dotcom năm 2000, khiến hàng chục nghìn việc làm liên tiếp bị cắt giảm.

Ông Lee khẳng định, môi trường lãi suất cao và suy thoái công nghệ kéo dài khiến "ngày càng nhiều công ty công nghệ cho rằng AI là lý do để sa thải nhân viên".

Năm ngoái, một vài ông lớn như Chegg, IBM và Dropbox cho biết kế hoạch sắp xếp lại nhân sự xuất phát từ những tiềm năng AI mang lại. Duolingo và Google đều đề xuất tương tự khi tìm cách huy động nguồn lực tận dụng khả năng bùng nổ AI.

Các nhà nghiên cứu nhận định, tác động AI với thị trường lao động khá rõ nét, chưa dừng lại ở đó, hàng trăm triệu việc làm toàn cầu có thể tiếp tục bị ảnh hưởng, mặc cho trí tuệ nhân tạo có tiềm năng tạo ra công việc mới trong tương lai.

Các nhà kinh tế từ Goldman Sachs dự đoán trong báo cáo nghiên cứu vào tháng 3 năm ngoái, khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian trên khắp thế giới có thể bị gạch tên hoặc giảm mạnh số lượng do sự phát triển mạnh mẽ của AI. Nhóm lao động văn phòng dường như chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

NHÓM NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ NHẤT

Kỹ sư phần mềm Parul Koul, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Alphabet, bày tỏ nhiều nhân viên Google đã sốc khi nhận được email quyết định sa thải ngay trong tuần này.

Cô chỉ trích kế hoạch sa thải là "không cần thiết và phản tác dụng" trong cuộc phỏng vấn với CNN, bày tỏ bức xúc bởi "lòng tham của nhiều công ty".

"Sa thải gây ra hỗn loạn và bất ổn tại nơi làm việc, dẫn đến giảm năng suất người lao động", cô Koul nói thêm, ngay cả những người ở lại thì họ làm việc "trong trạng thái lo lắng mình có phải là người tiếp theo hay không".

Về phần mình, Google cho rằng cắt giảm lao động giúp các nhóm làm việc tốt hơn và hiệu quả hơn. Công ty có kế hoạch hỗ trợ nhân viên ảnh hưởng "tìm kiếm vai trò mới tại chính Google và đơn vị liên quan".

Một số nhà lập pháp gần đây chú ý tới các tác động khác nhau khi sa thải vị trí nhất định.

Theo đó, liên minh gồm hơn hai mươi nhà lập pháp da màu do Hạ nghị sĩ Dân chủ Emanuel Cleaver đến từ Missouri và Barbara Lee từ California dẫn đầu bày tỏ lo ngại "tác động từ sa thải diện rộng trong ngành công nghệ không công bằng với cộng đồng và phụ nữ Hoa Kỳ gốc Phi", trong bức thư cuối tháng trước gửi Quyền Bộ trưởng Lao động Julie Su.

Bức thư có viết: "Những phát hiện gần đây liên tục chứng minh nhóm thiểu số và phụ nữ chiếm tỷ lệ rất lớn trong các đợt sa thải".

Nhiều nhà lập pháp thúc giục Bộ Lao động chú ý đến tình trạng này và cần hành động nhiều hơn nữa nhằm bảo vệ nhóm người lao động có nguy cơ mất kế sinh nhai.

Sơn Trần

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-cong-nghe-rot-hang-ty-usd-vao-ai-lan-song-sa-thai-van-tiep-tuc.htm