Ngành công nghệ thông tin: Liên kết để cạnh tranh

Việt Nam hiện đã có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới (CNTT). Trong đó, nước ta được xếp là điểm đến mới nổi bật nhất của ngành dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (DN).

Lớp trẻ với công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ CNTT vừa được tổ chức tại TP HCM, các chuyên gia cho rằng thành công trên vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng của Việt Nam cũng như nhu cầu của thế giới và nếu không có những giải pháp liên kết hiệu quả thì doanh nghiệp Việt sẽ khó tạo được thế cạnh tranh, giữ chỗ đứng trong ngành dịch vụ CNTT quốc tế.

GS David Ogden Dapice- Trường ĐH Harvard, cho rằng: Việt Nam nhận được rất nhiều nguồn đầu tư từ các DN FDI, họ lắp ráp chip, điện thoại thông minh, nhưng giá trị gia tăng đem lại cho DN thấp, ít hơn 10%. Theo Giáo sư, Việt Nam cần cải thiện chỉ số quản trị để cải thiện năng suất, tạo môi trường kinh doanh tốt, giảm chi phí không chính thức sẽ góp phần đẩy lùi nguy cơ tham nhũng, cần có dự báo tốt hơn.

GS David Dapice cũng nhìn nhận bên cạnh những tồn tại này, Việt Nam có điểm mạnh rất lớn nên đưa vào chính sách, trong đó phát triển các công viên khoa học, toán học, khoa học sự sống, y dược; thông tin ở Việt Nam cũng cởi mở hơn, ô nhiễm thấp hơn do ít sử dụng than đá, mạng xã hội phát triển rất năng động, có tới 60 triệu người sử dụng facebook và sẵn sàng cho các công ty khởi nghiệp.

Theo ông Phạm Thiết Hòa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam, nước ta được xem là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ châu Á - Thái Bình Dương và là địa điểm hấp dẫn về thu hút đầu tư công nghệ cao với sự góp mặt của các tập đoàn, các hãng lớn công nghệ trên thế giới.

“Ngành CNTT của nước ta đang đứng trước bước ngoặt chưa từng có. Sự phát triển bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại những cơ hội và thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự thay đổi không ngừng đã và đang hình thành một thế giới số hóa tất cả các dữ liệu thông tin và kết nối chúng ta lại với nhau, kéo theo hàng loạt sự thay đổi từ hoạt động sản xuất đến lối sống, giải phóng sức lực, nâng cao chất lượng cuộc sống”- ông Hòa nhận định. Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng các DN Việt Nam vẫn còn hoạt động ở quy mô nhỏ, chưa có mặt ở thị trường cao cấp. Vì vậy, việc quảng bá và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào chính nội lực của DN Việt Nam là rất quan trọng.

Ông Đào Đình Khả- Vụ trưởng Vụ công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Trong nền kinh tế số, trên thế giới, người ta rất coi trọng sự đầu tư, chủ động của khối tư nhân. Vai trò nhà nước chuyển sang vai trò kiến tạo, tạo khung pháp lý rõ ràng, rành mạch để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, đánh giá được cơ hội đầu tư”.

Chia sẻ những kinh nghiệm của mình, bà Denyse Cardozo- Giám đốc Điều hành Diễn đàn kết nối Thung lũng Silicon cũng cho biết: “Chúng tôi luôn đẩy mạnh tính liên kết của hàng trăm doanh nghiệp CNTT từ lớn, nhỏ đến siêu nhỏ của mỹ và nhiều nước trên thế giới và tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là điểm kết nối tiếp theo của chúng tôi để phát triển thị phần xuất khẩu phần mềm thế giới”. Tuy vậy, GS David Ogden Dapice cũng cảnh báo TPHCM có thể sẽ bị xếp thấp hạng. Lý do ông đưa ra là do Việt Nam đánh thuế cao vào các thành công nghiệp như TP HCM. Có đến 80% tổng nguồn thu của TP HCM được tái phân bổ qua các TP, tỉnh thành khác ít phát triển nhất. Điều này tuy đúng, nhưng năng suất, nhiều nguồn lực rút đi nhiều như vậy thì TPHCM chưa kịp hồi phục. Trong khi đó, đáng lẽ ra, những thành phố lớn như TP HCM rất cần được trang bị công nghệ mới và chính sách quốc gia nới rộng để tái đầu tư cho nơi đây.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/nganh-cong-nghe-thong-tin-lien-ket-de-canh-tranh-tintuc396032